Google khẳng định họ không đánh cắp thông tin của người dùng mà chỉ suy đoán dựa trên dữ liệu tìm kiếm mà người dùng "search" hàng ngày và kết quả ngoài dự đoán.
Tập đoàn Google đã cho ra mắt nhiều ứng dụng đa dạng từ thư điện tử, ứng dụng xem video, bản đồ, tài liệu, bảng tính... Ngày nay, hầu hết mọi người trên thế giới đều ít nhất sử dụng 1-2 ứng dụng do Google sáng chế. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự độc quyền của Google trong xã hội. Liệu "ông lớn" công nghệ này đã nắm được bao nhiêu % về thông tin của khách hàng.
Để biết Google biết gì về thông tin của người dùng, mọi người có thể truy cập vào đường link: myadcenter.google.com/controls. Sau đó đăng nhập vào tài khoản Gmail mà mình muốn kiểm tra.
Người dùng nhấn vào ô "Quản lý quyền riêng tư" ở menu bên trái. Google sẽ hiển thị toàn bộ kết quả về thông tin mà nó nắm được liên quan đến người dùng. Những thông tin này bao gồm các dữ liệu mà người dùng cung cấp cho Google trong quá trình tạo tài khoản như giới tính, độ tuổi. Ngoài ra, Google còn biết được những thông tin liên quan đến cá nhân như trình độ ngôn ngữ, tình trạng hôn nhân, học vấn, lĩnh vực công việc, mức thu nhập, tình trạng kết hôn và hiện đang có nuôi con hay không...
Nhiều người cảm thấy hoang mang khi Google nắm được nhiều thông tin của khách hàng như thế. Điều này gây lo ngại về chế độ bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.
Lý giải cho điều này, đích thân Google đã lên tiếng đính chính, rằng họ không đánh cắp thông tin của người dùng mà chỉ theo dõi, thống kê và suy đoán xu hướng của khách hàng thông qua những hoạt động trên website hằng ngày. Ví dụ như Google sẽ biết được từ khóa mà người dùng tìm kiếm với tần suất nhiều nhất, lịch sử tìm kiếm, nội dung xem qua Youtube hoặc những nơi mà người dùng thường tìm đến.
Minh chứng như nếu người dùng tìm kiếm những từ khóa có cùng trường từ vựng như bỉm, sữa, đồ cho trẻ em, xe nôi... thì Google sẽ suy đoán khách hàng của mình đang nuôi con hoặc có những thông tin liên quan đến em bé. Những thông tin tìm kiếm này được Google ứng dụng để tối ưu hóa nội dung hiển thị quảng cáo đến người dùng sao cho phù hợp với nhu cầu, sở thích của khách hàng.
Để tắt tính năng theo dõi của Google, khách hàng có thể truy cập vào đường link myadcenter.google.com, sau đó đăng nhập tài khoản Gmail. Tại mục "Quảng cáo được cá nhân hóa" ngay góc phải, người dùng hãy nhấn nút "Đang bật".
Sau khi tắt "Quảng cáo được cá nhân hóa", người dùng nhấn vào mục "Hoạt động của tôi". Sau đó, người dùng chuyển từ chế độ "Bật" sang chế độ "Tắt" ở tất cả các tính năng liên quan. Làm như vậy, Google sẽ ngừng việc thu thập hành vi thói quen của khách hàng. Từ đó, đảm bảo quyền riêng tư khi truy cập website tìm kiếm của người dùng.
Tuy nhiên, một cảnh báo là điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc hiển thị quảng cáo theo nhu cầu và sở thích của bạn. Những quảng cáo sẽ được hiển thị một cách ngẫu nhiên và không còn phù hợp với bản thân của người dùng.