Thực chất, “flex” mang ý nghĩa không mấy tích cực, nhưng khi qua góc nhìn gen Z lại biến thành hàng loạt khoảnh khắc “dở khóc dở cười”.
Thời gian qua, hàng loạt cư dân mạng, đặc biệt là các bạn trẻ đang sục sôi về trào lưu “flex”. Xét về nghĩa, “flex” là một từ lóng nằm trong cụm thành ngữ “flex your muscle”, tức là việc ủng hộ ai đó phô diễn sức mạnh của mình, bắt nguồn từ năm 1990. Tuy nhiên, ngày nay, “flex” dần được dùng để chỉ hành động khoe khoang “vô tội vạ”, đến mức khiến người khác phải khó chịu.
Mặc dù là một cụm từ mang ý nghĩa khá tiêu cực, nhưng khi qua tay các bạn gen Z, những màn “flex” lại trở nên mượt mà và buồn cười hơn bao giờ hết. Nhiều netizen cũng được dịp “cười xỉu” với những bài đăng “flexing” vô cùng tinh tế. Một số khác lại bày tỏ cảm giác áp lực khi thấy mọi người xung quanh liên tục “flex” bằng cách khoe thành tích, khoe nhà, khoe xe triệu đô.


Đặc biệt hơn, từ hiệu ứng đó mà một không gian để giới trẻ tha hồ “flex” mang tên "Flex đến hơi thở cuối cùng" đã được ra đời và đạt mốc 470 nghìn thành viên khi chưa đầy hai tháng. Đây được đánh giá là một con số khủng khiếp đối với một hội nhóm trên mạng xã hội, và nó chưa có dấu hiệu ngừng tăng.

Mới đây, mạng xã hội truyền tay nhau rầm rộ về một màn “flexing” khiến bao người phải ngưỡng mộ. Đó là màn “flexing” của nhân vật Nguyễn Hữu Phụng, anh là người đứng sau hàng loạt kỹ xảo đồ họa của những bộ phim Netflix đình đám. “Các bạn xem phim Hàn thì lâu lâu lại có thể thấy mình ở đâu đó”, anh Phụng dí dỏm “flex”.

Ngoài ra, rất nhiều màn “flexing” khác cũng tạo được hiệu ứng trên các nền tảng những ngày qua. Có thể thấy, từ một trò đùa khiến người khác khó chịu, gen Z lại có thể biến nó thành một làn sóng giải trí rất đáng quan tâm. Dẫu vẫn còn nhiều thành phần quá trớn, nhưng nếu nhìn theo mặt tích cực, hãy xem những màn “flexing” chính là động lực để bản thân ngày càng phát triển hơn, bạn nhé!

Ảnh: Tổng hợp