Dòng họ Mai vốn là một trong những họ khá hiếm ở Việt Nam, đa số tập trung ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhưng đã có mặt từ rất sớm.
Theo đó, dòng họ Mai là một họ ở Đông Á. Ở Việt Nam, dòng họ này khá hiếm. Những người mang họ Mai chủ yếu tập trung ở miền Bắc như Hưng Yên, Nam Định hoặc vùng Bắc Trung Bộ, ví dụ như: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị…
Họ Mai có mặt khá sớm ở Việt Nam, gắn liền với lịch sử của dân tộc. Theo gia phả của dòng họ Mai ở làng Hậu Trạch ghi chép lại rằng, thời vua Hùng Vương thứ 6 có ông Mai Yển, hiệu là An Tiêm. Ông được mọi người biết đến với cái tên quen thuộc là Mai An Tiêm, nguyên là Thượng thư lại Bộ Xuân Thu. Vì lập được nhiều công lao nên Mai An Tiêm được vua Hùng gả con gái cho. Bên cạnh đó, Mai An Tiêm còn là nhân vật gắn liền với truyền thuyết về sự tích quả dưa hấu quen thuộc của người Việt.
Trong cuốn Gia tộc họ Mai được xuất bản lần 1 năm 2010, Mai An Tiêm được công nhận là Thượng thuỷ tổ của dòng họ Mai. Tương truyền rằng, vùng Nga Sơn, Thanh Hóa chính là do Mai An Tiêm khai phá. Người dân sau này nhập cư vào vùng đất này đã tự nguyện nhận mình mang họ Mai.
Đến tháng 4/2022, trong Đại hội Đại biểu họ Mai Việt Nam lần thứ 1, mọi người đã thống nhất rằng Mai An Tiêm chính là thần tổ của dòng họ Mai ở Việt Nam. Ông cũng là nhân vật lịch sử có nhiều nét đặc biệt, gắn liền với văn hoá của dòng họ Mai nói riêng và văn hoá đất nước nói chung.
Ngoài ra, trong lịch sử, dòng họ Mai cũng từng có một vương triều riêng. Vị vua đầu tiên của dòng họ Mai là Mai Thúc Loan (679 - 723). Sau khi lên ngôi, Mai Thúc Loan lựa chọn đóng đô ở Kinh Đô Vạn An thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Đáng chú ý, trong thời kỳ chống quân Nguyên Mông, một số vương hầu, quan lại đã xin đầu hàng giặc. Đến năm 1289, sau khi đã dẹp yên quân xâm lược, nhà Trần tiến hành xử tội những kẻ này. Họ bị tử hình, tịch thu đất đai, tước bỏ quốc tịch và bắt phải đổi họ. Một số trường hợp đã bị đổi thành họ Mai. Có thể kể đến đó là Trần Lộng bị đổi thành Mai Lộng, Trần Kiện bị bắt đổi thành Mai Kiện.