Việt Nam có nhiều tên đường "độc đáo" nhưng ít người biết về "Con đường có tên ngắn nhất", nhiều người còn chưa từng nghe qua.
Tên đường ở Việt Nam rất đa dạng, việc đặt tên đường phố được quy định chặt chẽ có nơi thì được đặt theo tên người, số, sự vật, có nơi dựa trên đặc tính sinh hoạt… Cụ thể, đường phố Việt Nam có thể được đặt theo tên, theo số, ký tự (ví dụ Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, đường D1, đường N2…), đặc tính sinh hoạt (phố hàng Mắm, phố hàng Buồm, phố hàng Mã…), tên người (là các danh nhân, anh hùng lịch sử), sự kiện lịch sử (đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa…).
Ngoài những cái tên như đường Nguyễn Trãi, đường Hồ Chí Minh, đường Hùng Vương, đường Cách Mạng Tháng 8,... mang nhiều ý nghĩa lớn lao của lịch sử thì có những con đường "độc lạ" khiến nhiều người tò mò. Đáng chú ý phải kể đến con đường có tên ngắn nhất ở Việt Nam chỉ đúng 3 ký tự, chắc hẳn nhiều người còn chưa từng nghe qua.
Liên quan đến câu hỏi này, khi nghe đến con đường có tên ngắn, không ít người Biên Hòa nghe đến đây sẽ tự tin kể ra tên đường Lê A (tên của một chiến sĩ du kích nổi tiếng, hi sinh năm 19 tuổi ở Đồng Nai). Tính ra là có 3 chữ cái L, E, A - cũng thuộc tên ngắn nhất Việt Nam. Nhưng xét cho kỹ thì tên đường này chưa phải đáp án đúng vì có 4 ký tự L, E, ở giữa có dấu cách, A. Theo đó, có một con đường đặt theo tên người nhưng chỉ có 3 ký tự liền kề nhau đó chính là đường WỪU. Đây cũng là tên đường có ít chữ cái nhất.
Điều thú vị là ở Việt Nam có tới 4 con đường mang tên WỪU, trong đó có tới 3 đường WỪU ở Gia Lai và 1 đường WỪU ở Kontum. Nhiều người Việt Nam hẳn là còn chưa từng nghe qua tên đường đặc biệt này và thắc mắc Wừu là tên của ai. Theo đó, Wừu là tên của một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân người dân tộc Bana. Ông cùng với Đinh Núp (anh hùng Núp) là 2 biểu tượng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Wừu (1905-1952), còn gọi là Bok Wừu hay Anh hùng Wừu. Ông là người dân tộc Ba Na, tại làng Đe Đoa, xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Vốn căm thù quân Pháp xâm lược, Wừu sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1939, ông là một trong số những người tham gia vào phong trào "Đất nước đứng lên" chống lại việc bắt phu bắt lính. Sau cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia xây dựng chính quyền mới, chủ động, bí mật làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Ông từng bị địch bắt 2 lần và trốn thoát. Năm 1952, ông bị quân Pháp bắt giữ lần 3, bị chúng tra tấn dã man và bắn chết... Năm 1956, ông được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân Chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Được biết, đường Wừu ở thành phố Pleiku dài khoảng 1,3 km, đường Wừu ở huyện Đắk Đoa dài khoảng 3,5 km, đường Wừu ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê dài khoảng 0,5 km. Đường Wừu ở thành phố Kontum dài khoảng 0,5 km.