Nhiều người cho rằng điều hòa là tiết bị "ngốn" nhiều điện năng nhất nhà, tuy nhiên thực chất lại không phải vậy. Dưới đây là 9 thiết bị khiến hóa đơn cuối tháng tăng cao.
Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao. Nhiều người cho rằng đây là nguyên nhân hóa đơn tiền điện cuối tháng tăng vọt. Tuy nhiên không chỉ riêng điều hòa, nhiều loại thiết bị gia dụng khác trong nhà cũng là yếu tố khiến lượng tiêu thụ điện năng vượt quá mức chi trả. Thậm chí, một số thiết bị mà nhiều người không ngờ đến lại là tác nhân gây tiêu hao tiền của.
Sau khi sử dụng xong một thiết bị, chúng ta thường có thói quen tắt hệ thống thiết bị đó nhưng lại không rút phích cắm điện hoặc không tắt nguồn. Điều này được ngầm hiểu là thiết bị đó vẫn đang sử dụng điện. Lâu dần, nhiều thiết bị không rút phích cắm sẽ trở thành đối tượng khiến hóa đơn tăng cao.
Mới đây, EVN đã chỉ ra 9 món đồ quen thuộc trong mỗi gia đình có khả năng "ngốn" điện nhiều nhất, bất ngờ là không chỉ có điều hòa, tủ lạnh như nhiều người tưởng tượng.
Hạng 9: Thiết bị mạng
Thiết bị mạng là tên gọi dùng chung cho những thiết bị liên quan đến Internet như cục phát wifi, router, DSL... Trung bình mỗi tháng, những loại thiết bị này sẽ tiêu tốn từ 8-12kWh. Một trong những lý do khiến thiết bị tốn nhiều tiền điện là vì chúng hoạt động xuyên suốt, người dùng sử dụng 24 giờ mỗi ngày.
Hạng 8: Lò vi sóng
Lò vi sóng có công suất 1.000W và được sử dụng trung bình 30 phút mỗi ngày. Như thế, mỗi tháng, hộ gia đình sử dụng 10-20kWh điện. Chuyên gia cho rằng lò vi sóng được thiết kế để đun thức ăn có nước. Nếu chúng ta đun thực phẩm khô thì lò vi sóng sẽ tốn nhiều thời gian và điện năng để làm nóng. Cách tốt nhất là chúng ta nên rưới một ít nước lên thức ăn khô rồi đậy nắp lại sẽ giúp tiết kiệm và rút ngắn thời gian.
Hạng 7: Bàn là điện
Bàn là điện là thiết bị phổ biến trong mọi nhà nhưng không phải ngày nào cũng sử dụng. Mặc dù vậy, bàn là điện được cho là tốn khá nhiều điện năng. Loại bàn là điện thông dụng nhất có công suất từ 900-2.500W, có tuổi thọ từ 10-12 năm. Nếu dùng bàn là điện trung bình 30 phút mỗi ngày thì mỗi tháng gia đình sẽ sử dụng hết 14-24kWh điện.
Hạng 6: Nồi cơm điện
Nghe qua có vẻ vô lý vì nồi cơm điện là thiết bị hầu như nhà nào cũng có và sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng đây là tác nhân khiến tiền điện mỗi tháng của hộ gia đình tăng cao. Mỗi nồi cơm điện có dung tích 1,2 lít và có công suất từ 350-400W. Nồi cơm điện hoạt động 2 giờ mỗi lần sử dụng, tiêu thụ 0,75kWh .
Nhiều chuyên gia khuyên rằng nên canh thời gian nấu cơm sao cho hợp lý, tránh nấu cơm quá sớm và cắm phích nồi cơm điện để giữ nóng trong thời gian dài vì nó rất tốn điện. Ngoài ra, nồi cơm điện cần vệ sinh thường xuyên để tránh gây hại sức khỏe.
Hạng 5: Tivi
Thông thường, tivi sẽ được cắm cố định và ít khi nào tháo phích cắm. Mỗi khi sử dụng, ta chỉ việc khởi động bằng điều khiển từ xa. Việc để tivi trong chế độ chờ có thể tiêu thụ 0,3-0,5W điện dù chúng ta không hề sử dụng. Theo thống kê, mức tiêu thụ điện năng của một chiếc tivi có thể tăng lên 20-25 USD (460.000-576.000 đồng) trong khoảng 1 năm. Vì vậy sau khi xem xong tivi nên rút phích cắm để tránh lãng phí điện không cần thiết.
Hạng 4: Máy tính để bàn
Tương tự như tivi, việc tắt máy tính bằng nút Shutdown hay Turn off chỉ có tác dụng cho thiết bị vào chế độ chờ. Thực chất thiết bị vẫn đang "ngốn" điện mỗi ngày. Trung bình máy tính để bàn có thể sử dụng 96W trong một ngày. Nếu cho máy ở chế độ Sleep thì số tiền sẽ càng tăng cao.
Hạng 3: Tủ lạnh
Tủ lạnh là thiết bị hoạt động xuyên suốt trong mỗi gia đình nên không có gì ngạc nhiên khi nó tiêu hao rất nhiều điện năng. Những loại tủ lạnh nhỏ có dung tích 150 lít với công suất 100-150W trung bình mỗi ngày "ngốn" từ 1,5kWh đến 2,25 kWh.
Hạng 2: Bình nóng lạnh
Nhiều gia đình có thói quen lắp bình nóng lạnh để đối phó với thời tiết nóng lạnh thất thường. Công suất trung bình của thiết bị lên đến 3.000W. Nếu bật bình nóng lạnh cả ngày, điện năng tiêu thụ sẽ tăng cấp 20 lần. Khi không sử dụng nhớ tắt công tác và bật lên trước khi tắm khoảng 1 tiếng.
Hạng 1: Bếp điện
Thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất trong gia đình là bếp điện. Thời gian sử dụng chỉ khoảng 3 tiếng/ngày nhưng một tháng có thể tiêu hao 85-95kWh với bếp đơn và 170-190kWh khi là bếp đôi. Nếu tính giá điện bán lẻ bình quân là 1.920 đồng/kWh thì chi phí cho bếp đơn đã tăng đến 182.000 đồng/tháng và bếp đôi là 365.000 đồng/tháng.
Ảnh: Tổng hợp