Việc chở cây đào, quất...có thể bị phạt vì vi phạm Luật giao thông, mức phạt lên đến 600.000 VNĐ.
Đào, quất, mai...là những loại cây, hoa đặc trưng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nhiều gia đình thường mua các loại cây, hoa này để về chưng Tết, tô điểm thêm màu sắc cho không gian trong nhà ngày đầu năm mới. Bên cạnh những cành, cây nhỏ vừa tâm, không ít người muốn lựa chọn quất, đào, mai...dạng cây lớn, có tán rộng về chưng.
Chính vì vậy đặt ra một bài toán về việc vận chuyển từ địa điểm mua về nhà. Một số nơi bán hàng sẽ có dịch vụ xe chuyển hàng cho khách và phụ thu thêm chi phí.
Đồng thời chở quất, đào... bằng xe máy là nghề được nhiều người lựa chọn mưu sinh những dịp cuối năm âm lịch. Nhưng những người hành nghề sẽ đối diện nguy cơ bị xử phạt khi bị lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra.
Việc chở cây, hoa...quá khổ trong dịp Tết có thể vi phạm luật giao thông và bị xử phạt (Ảnh minh họa)
Nếu bị Cảnh sát giao thông bắt gặp đang chở đào quất cồng kềnh, người đi xe máy có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Cụ thể, theo điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác”.
Chính vì vậy theo quy định này, người tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng nếu chở đào, quất...lớn, cồng kềnh đi trên đường.
Mức phạt cho hành vi này có thể lên đến 600.000 VNĐ (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, khi thực hiện hành kể trên mà gây tai nạn giao thông, người điều khiển xe máy sẽ vừa bị phạt tiền, vừa bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng (theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định xử phạt vi phạm giao thông).
Nếu chở đào, quất cồng kềnh mà gây tai nạn cho người tham gia giao thông khác thì người lái xe máy sẽ phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể, căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự hiện hành, các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, trong đó có xe máy được liệt kê là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ.
Chở hàng cồng kềnh bằng xe máy có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (Ảnh minh họa)
Với thiệt hại xảy ra do xe máy gây nên thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường bao gồm:
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: Bồi thường tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Bồi thường lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. Bồi thường chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng của người bị thiệt hại. Bồi thường thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Bồi thường chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.