Theo quy định người sử dụng rượu bia không được phép tham gia giao thông, nếu bị bắt thổi nồng độ cồn phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt nặng nề.
Thời điểm càng gần cuối năm, những buổi tiệc liên hoan, sự kiện tổng kết của các công ty, đơn vị, gia đình... đều diễn ra vô cùng sôi động. Người dân thường có thói quen sử dụng rượu bia hoặc chất uống có cồn trong những buổi tiệc này để tăng thêm sự hưng phấn, vui vẻ. Tuy nhiên, nếu những đối tượng sử dụng rượu bia mà tham gia giao thông bị cơ quan chức năng bắt được, cho thổi nồng độ cồn và phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử phạt thật mạnh.
Chính vì vậy thời điểm này, trên mạng xã hội không ngừng xuất hiện các chủ đề thảo luận xoay quanh việc sử dụng rượu bia vào ngày cuối năm, ngày lễ tết. Trong đó, câu hỏi thu hút sự chú ý của mọi người nhất là nếu sử dụng rượu bia nhưng không chạy/lái xe mà dẫn bộ xe máy thì có bị bắt thổi nồng độ cồn và bị phạt hay không?
Theo đó, tại khoản 8, Điều 4 luật Giao thông đường bộ 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019 và khoản 6 Điều 5 luật Phòng, chồng tác hại của rượu bia năm 2019 có quy định "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm cấm".
Dựa trên quy định trên, việc dắt bộ xe và điều khiển phương tiện tham gia giao thông là 2 khái niệm khác nhau hoàn toàn. Điều khiển phương tiện giao thông là hành vi "người điều khiển đang ngồi trên xe" và "xe đang nổ máy, có sự di chuyển". Còn việc dắt bộ xe không thỏa mãn 2 yếu tố này nên không được xét vào hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Chính vì vậy, việc dắt bộ xe máy về nhà sau khi uống rượu bia không phải hành vi vi phạm pháp luật và sẽ không bị xử phạt về nồng độ cồn.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn tính mạng của bản thân và những người đi đường xung quanh thì nếu có xảy ra tình trạng say xỉn, chủ phương tiện nên gọi taxi hoặc người nhà, người không sử dụng thức uống có cồn, rượu bia để đến đón, đưa về nhà giúp.
Trường hợp người tham gia giao thông có hành vi dắt bộ xe máy khi thấy trạm kiểm tra của cảnh sát giao thông nhằm mục đích đối phó rồi chờ đến khi qua trạm lại tiếp tục điều khiển phương tiện thì sẽ bị kiểm tra, xử phạt vi phạm nồng độ cồn như thường lệ.
Cảnh sát giao thông nếu chứng minh được người dắt bộ xe máy trước đó có sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông qua việc kiểm tra camera ghi hình hay có nhân chứng thì vẫn có thể lập biên bản xử lý vi phạm và xử phạt nồng độ cồn theo quy định của nhà nước.
Tùy theo mức độ vi phạm và tính chất của sự việc mà người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và thậm chí là bồi thường thiệt hại nếu có.
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng nếu điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít hơi thở.
Trường hợp người vi phạm mà nồng độ cồn trong máu và hơi thở vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1 lít hơi thở thì sẽ bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng.
Trường hợp người vi phạm mà nồng độ cồn trong máu và hơi thở vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít hơi thở thì sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-24 tháng.
Nếu người sử dụng bia rượu điều khiển phương tiện giao thông mà gây ra tai nạn, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định thì có mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng và cao nhất là ở tù 15 năm. Người vi phạm còn có nguy cơ bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1-5 năm.