Theo đề xuất, một số nhóm đối tượng khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ không được rút 1 lần từ năm 2025.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ về dự thảo luật BHXH (sửa đổi). Dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận vào tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều nội dung quan trọng ảnh hưởng đến quyền lợi của người đóng bảo hiểm, đặc biệt là hạn chế quyền rút BHXH 1 lần từ năm 2025.
Từ năm 2025, một số đối tượng đóng BHXH không được rút 1 lần (Ảnh Báo điện tử Chính phủ)
Các trường hợp hạn chế rút BHXH 1 lần cụ thể như sau:
Khi người lao động tham gia BHXH bắt buộc từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (từ 1/1/2025) sẽ không được rút 1 lần.
Có 2 phương án hạn chế rút BHXH 1 lần được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình các cơ quan cụ thể:
Phương án 1: Việc rút BHXH 1 lần sẽ giải quyết với 2 nhóm lao động khác nhau.
Nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.
Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực trở đi không được nhận BHXH 1 lần, trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Theo đánh giá từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phương án này có ưu điểm là mang tính bền vững cho lưới an sinh, không ảnh hưởng đến 17,5 triệu người đang tham gia BHXH nên sẽ ít gặp phản ứng. Tuy nhiên nhược điểm là những năm đầu áp dụng có thể không giảm được lượng người rút BHXH 1 lần, nhưng từ năm 2030 có thể giảm một nửa.
Khuyến khích người dân hạn chế rút BHXH 1 lần (Ảnh VOV)
Phương án 2: Người lao động tham gia BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc, không đóng BHXH tự nguyện, nếu có yêu cầu thì được rút 1 lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia hệ thống an sinh và hưởng chế độ.
Ưu điểm của phương án này là hài hòa quyền lợi người tham gia với chính sách an sinh lâu dài, tránh gây phản ứng. Lượng người hưởng có thể không giảm nhiều nhưng vẫn giữ chân người lao động ở lại lưới an sinh. Nếu sau này họ tiếp tục đóng BHXH thì được cộng nối thời gian đóng để hưởng quyền lợi.
Tuy nhiên nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH 1 lần, người lao động không được giải quyết hưởng BHXH 1 lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác bị giảm quyền lợi.
Những phương án được đưa ra dựa trên quyền lợi của người lao động (Ảnh Báo điện tử Chính phủ)
Theo các thông tin hiện nay, gần 91% lao động rút BHXH một lần làm việc trong doanh nghiệp, 8% làm ở khu vực nhà nước và hơn 1% tham gia BHXH tự nguyện. Thường trực Chính phủ đánh giá, rút BHXH 1 lần là vấn đề khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì vậy đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra nhiều phương án để xin Quốc hội, nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể.
Ngoài ra, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lợi hưu trí, thay vì nhận BHXH 1 lần.