Sau khi đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, dãy số hiển thị 12 chữ số được ghi nhớ theo một quy tắc riêng mà nhiều người không biết.
Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước sẽ bắt đầu có hiệu lực và thay thế Luật Căn cước công dân 2014. Trong Luật Căn cước, nhiều quy định mới được bổ sung bên cạnh những quy định cũ vẫn được áp dụng. Trong đó, Điều 12 Luật Căn cước mới có nội dung quy định về số định danh cá nhân như sau:
- Là dãy số tự nhiên bao gồm 12 chữ số do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Biệt Nam.
- Là dãy số do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và xác lập cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại với người khác.
Được biết, số định danh cá nhân của công dân Việt Nam dùng để Cấp thẻ Căn cước công dân và Khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Trong đó, số Căn cước dành cho mỗi cá nhân và cũng là dãy số định danh bao gồm 12 chữ số tự nhiên. Được biết, 6 chữ số đầu là mã quy định, căn cứ 6 chữ số này sẽ biết được người sở hữu căn cước công dân đó là sinh trong thế kỷ 20 hay thế kỷ 21, sinh năm nào và được khai sinh ở đâu, giới tính nam hay nữ. Về 6 chữ số cuối là con số ngẫu nhiên được cấp cho riêng mỗi cá nhân.
Cụ thể quy định về dãy số căn cước công dân như sau:
- 3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh đăng ký khai sinh của mỗi công dân. Được biết, mỗi thành phố, mỗi tỉnh đều có mã số khác nhau như TP. Hà Nội là 001, TP.HCM là 079...
- 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân. Người sinh ở thế kỷ 20, nếu là nam mang số 0 và nếu là nữ mang số 1. Người sinh ở thế kỷ 21, nếu là nam mang số 2 và nếu là nữ mang số 3.
- 2 chữ số kế tiếp là mã năm sinh bao gồm 2 số cuối năm sinh của công dân.
- 6 chữ số cuối cùng là số ngẫu nhiên của mỗi cá nhân.