24h
Yeah1 News

Danh tính người giàu nhất Việt Nam thế kỷ 20, di chúc dài 30 trang mới chứa hết khối gia tài đồ sộ

Thứ hai, 21/08/2023 | 15:33 (GMT+7)

Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 có một doanh nhân lừng lẫy tiếng tăm nhất thời bấy giờ, được mệnh danh là "Vua tàu thủy", sở hữu gia tài đồ sộ với di chúc 30 trang.

Bạch Thái Bưởi được mệnh danh vua tàu thủy. Ông được nhiều người nể phục với câu chuyện từ hai bàn tay trắng lập nghiệp đi lên để rồi gặt hái nhiều thành công trên con đường kinh doanh, được xếp vào danh sách 4 người giàu có nhất Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 với câu nói "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương , tứ Bưởi"

Chân dung doanh nhân Bạch Thái Bưởi.
Chân dung doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

Bạch Thái Bưởi (1875 - 1932) tên thật là Đỗ Thái Bửu, quê Yên Phúc, Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (cũ), nay là Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Được biết, từ nhỏ vì gia đình nghèo, Bạch Thái Bưởi thường theo mẹ đi vớt củi trên sông Nhuệ mang về bán kiếm tiền. Một lần, ông vớt được một khúc củi khá lớn, mang về phơi khô ở sân. Nhưng không hiểu sao càng khô, khúc củi đó càng tỏa ra một mùi thơm kỳ lạ. Câu chuyện lan nhanh, đến tai các thương lái Trung Quốc. Họ tìm gặp ông để mua bằng được khúc củi khô này với giá cao ngất ngưởng. Sau này ông mới biết đó là gỗ trầm hương - một loại gỗ vô cùng quý giá. 

Bạch Thái Bưởi đến nay vẫn là một huyền thoại trong giới doanh nhân.
Bạch Thái Bưởi đến nay vẫn là một huyền thoại trong giới doanh nhân.

Với số vốn từ vụ "củi khô", ông bắt đầu lao vào học hỏi kinh doanh trên thương trường với nhiều nghề. Nhờ thông minh, lanh lợi, ảnh hưởng trực tiếp bởi văn hóa người Pháp nên biết nói tiếng Pháp, chính vì vậy ông được làm thư ký cho Công sứ Bonnet - người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Bạch Thái Bưởi bắt đầu dấn thân vào kinh doanh khi hợp tác với một nhà thầu người Pháp cung cấp gỗ làm tà-vẹt cho công trình đường xe lửa nối liền Hà Nội – Sài Gòn

Để có cơ hội tiếp xúc với máy móc cơ giới và thu nhận những hiểu biết về cách tổ chức và quản lý sản xuất, năm 1894, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán, ít lâu sau ông được cử sang Pháp. Choáng ngợp trước nền văn minh phương Tây, Bạch Thái Bưởi âm thầm học hỏi cách làm việc của người Pháp và nung nấu ý chí tự lực phát triển. Trở về nước ông nghỉ việc, lao vào thương trường, một quyết định mà nhiều người cho là điên rồ và liều lĩnh. Chỉ sau ba năm kinh doanh, ông đã trở nên giàu có và tách riêng để kinh doanh độc lập.

Danh tính người giàu nhất Việt Nam thế kỷ 20, di chúc dài 30 trang mới chứa hết khối gia tài đồ sộ - ảnh 3

Bước ngoặt lớn nhất trong đời ông chính là tham gia vào ngành vận tải đường sông. Đối mặt với những đối thủ đáng gờm toàn ông chủ người Pháp, người Hoa sành sỏi, Bạch Thái Bưởi khi đó đã sử dụng tinh thần dân tộc của người Việt Nam để đối đầu với sự áp chế của ngoại bang, cụ thể như đặt tên các anh hùng dân tộc cho các đội tàu của mình, tạo dựng các bến đỗ thuận tiện, ra giá vé hợp lý, cổ động "người Việt dùng hàng Việt". 10 năm (1909 -1919) làm vận tải, công ty Bạch Thái Bưởi sở hữu được 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan chạy hầu hết các tuyến sông trong và ngoài nước. Sau đó, ông chuyển nhượng công ty tàu của mình và chuyển sang đầu tư khai thác than đá. Than của ông không chỉ bán cho đồng bào mà còn xuất khẩu sang Pháp và Nhật.

Danh tính người giàu nhất Việt Nam thế kỷ 20, di chúc dài 30 trang mới chứa hết khối gia tài đồ sộ - ảnh 4

Nhờ con đường kinh doanh thành công rực rỡ, Bạch Thái Bưởi sớn trở thành những doanh nhân Việt giàu có nhất những thế kỷ thứ 20, được tôn làm bậc anh hùng kinh tế của nước nhà. Sinh thời, Bạch Thái Bưởi dự định tạo dựng nhiều công trình như xây nhà máy xay gạo ở Nam Định với thiết bị mua từ Đức; xây nhà máy nước, nhà máy điện ở TP. Nam Định; xây đường sắt Nam Định – Hải Phòng… Bạch Thái Bưởi còn dự định mua tàu viễn dương để chở than bán cho người ngoại quốc với lá cờ Bạch Thái Bưởi của người Việt tung bay phấp phới tại các cảng quốc tế… Nhưng mộng lớn chưa thành thì ông mất sau một cơn đau tim đột ngột vào ngày 22/7/1932 tại Hải Phòng , mảnh đất giúp ông trở thành “Chúa sông Bắc Kỳ”.

Cận cảnh bản di chúc của Bạch Thái Bưởi để lại
Cận cảnh bản di chúc của Bạch Thái Bưởi để lại

Bà Bạch Quế Hương, chắt nội của ông khẳng định, hiện nay bà đang giữ bản di chúc của Bạch Thái Bưởi. Bà Hương cho biết thêm, bản di chúc dài 30 trang, bằng tiếng Pháp, được lập trước ngày Bạch Thái Bưởi mất khoảng 3 tháng. Bản di chúc cho thấy tài sản của Bạch Thái Bưởi vô cùng lớn. Theo đó, danh nhân này để lại cho con cháu tất cả bằng ngân phiếu và bất động sản, không có vàng. Có người nhận được hàng chục ngàn đô. Được biết, Bạch Thái Bưởi để lại nhiều bất động sản ở khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Uông Bí – Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An).

Phần mộ hiện nay của Bạch Thái Bưởi.
Phần mộ hiện nay của Bạch Thái Bưởi.

Không chỉ bất động sản, ông còn sở hữu nhiều tàu, hầm mỏ. Đặc biệt, đóng góp quan trọng thứ hai sau kinh doanh hàng hải của Bạch Thái Bưởi là kinh doanh văn hoá (in ấn, xuất bản). Ông đã đầu tư xây dựng công ty in và xuất bản cũng như cho ra đời 1 tờ báo hàng ngày. Trong bản di chúc, việc tiếp nối sự nghiệp kinh doanh, Bạch Thái Bưởi tin tưởng giao trọn cho con trai Bạch Thái Tòng.

Khi nhắc về Bạch Thái Bưởi, nhiều người khẳng định ông là “một bậc vĩ nhân”, “một đấng trượng phu” trên thương trường. Ông không chỉ là tấm gương sáng bởi những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường như thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa, ông còn nổi tiếng bởi tư tưởng tự tôn dân tộc.

Ngày nay hầu hết chúng ta đều thuộc câu" người Việt dùng hàng Việt". Ít ai biết rằng rằng slogan này đã có từ cách đây 100 năm, bắt nguồn từ câu nói “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam” của một doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news
Từ khóa: Việt Nam   Người giàu   di chúc  

Cùng chuyên mục