Gia đình ông Huyện Sỹ được mệnh danh là giàu nhất Sài Gòn xưa, sở hữu khối tài sản theo giai thoại là còn lớn hơn cả vua Bảo Đại.
Trong câu nói "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường , tứ Hỏa ", thì nhất Sỹ là để nói về ông Huyện Sỹ, người giàu có bậc nhất ở Sài Thành thời bấy giờ.
Ông Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhứt Sỹ, sinh năm 1841 trong một gia đình theo đạo Công giáo. Từ nhỏ, ông được đưa sang Malaysia học tập, tiếp xúc với văn hóa nước ngoài từ sớm. Sau này vì trùng tên với một người thầy nên ông đổi từ Lê Nhứt Sỹ thành Lê Phát Đạt. Khi trở về Sài Gòn, ông Huyện Sỹ được bổ nhiệm làm thông ngôn, rồi trở thành Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.
Chân dung ông Huyện Sỹ cùng nhà thờ Huyện Sỹ đến nay vẫn còn tồn tại ở Sài Gòn
Mặc dù có làm quan nhưng ông Huyện Sỹ không giàu lên nhờ bổng lộc mà bởi sự nhạy bén trong việc mua bán, đất đai. Lúa liên tiếp trúng mùa giúp đại gia này càng giàu có, tích lũy tài sản của cải lớn. Theo một số thông tin, trong thời kỳ cực thịnh, gia đình ông Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ đất ở Gò Công, Long An, Tiền Giang...Dân gian có câu "cò bay mỏi cánh không hết đất của ông Huyện Sỹ".
Thậm chí gia đình ông Huyện Sỹ giàu đến mức có giai thoại kể lại rằng để tiền không bị mốc, hỏng, ông thuê hẳn một nhóm người bảo quản, đem tiền ra phơi nắng rồi lại cất vào kho. Sự giàu có của ông Huyện Sỹ vẫn còn được thể hiện cho đến ngày nay một cách rõ nét qua các công trình xây dựng được lưu lại. Trong đó là nhà thờ Huyện Sỹ, được ông hiến đất và 1/7 gia tài để xây dựng.
Chân dung của đại gia Huyện Sỹ được lưu truyền đến hiện tại
Nếu tính theo thời giá lúc bấy giờ thì khoảng trên 30 nghìn đồng bạc Đông Dương. Đất đai của nhà ông Huyện Sỹ rộng đến mức, nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sỹ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây phải mất gần 1 tiếng, mênh mông.
Ông Huyện Sỹ có 5 người con: Lê Thị Bình, Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh và Lê Phát Tân. Trong đó bà Lê Thị Bình là mẹ của Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại. Bên cạnh những giai thoại về đất đai, tiền của, người xưa còn truyền tai nhau về việc gia tộc Huyện Sỹ giàu có hơn cả vua Bảo Đại.
Cháu gái của ông Huyện Sỹ là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu) khi ra Huế tổ chức đám cưới với vua Bảo Đạt đã được cậu là ông Lê Phát An tặng 1 triệu đồng tiền mặt làm của hồi môn.
Nam Phương Hoàng Hậu trong đám cưới ở Huế với vua Bảo Đại
Nếu tính theo giá vàng thời điểm đó là 50 đồng/lượng, thì 1 triệu đồng tiền mặt tương đương 20.000 lượng vàng. Nhiều đồn thổi cho rằng gia đình của Nam Phương Hoàng Hậu giàu có hơn nhiều so với vua Bảo Đại. Thậm chí vua Bảo Đại còn được cho sử dụng tiền của nhà vợ.
Dù nắm trong tay khối tài sản đồ sộ nhưng gia đình ông Huyện Sỹ không tiêu xài hoang phí mà tập trung phát triển nông nghiệp, truyền bá đạo Công giáo. Trong nhà có để một câu đối rằng : “Cần giữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đô" (Tạm dịch: trong gia đình phải chăm chỉ và tiết kiệm/ Xử thế với người ngoài phải hòa hoãn nhẫn nhịn).
Nhà thờ Huyện Sỹ bề thế ở Sài Gòn
Năm 1900, ông Huyện Sỹ qua đời. Đến năm 1920, vợ của ông là bà Huỳnh Thị Tài cũng mất. Thi hài hai vợ chồng sau đó được đưa về an táng trong một gian phòng phía sau cung thánh tại nhà thờ Huyện Sỹ.