24h
Yeah1 News

Có được đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết hay không, nắm rõ quy định của pháp luật để tránh vi phạm?

Thứ năm, 18/01/2024 | 11:18 (GMT+7)

Theo quy định, ngoài Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chi nhánh NHNN, sở giao dịch NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều bất hợp pháp.

Gần Tết, nhu cầu về việc đổi tiền mới, tiền lẻ phục vụ cho việc mừng tuổi, lì xì ngày càng cao. Cũng từ đó nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tăng cao để quảng cáo, nhận đổi tiền trái với quy định của pháp luật. Trên các trang mạng xã hội dịp cận Tết, nhiều tài khoản đăng bài nhận đổi tiền mới, tiền lẻ với các mệnh giá từ 10.000 - 500.000 VNĐ.

Tuy nhiên, theo quy định, ngoài Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Có được đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết hay không, nắm rõ quy định của pháp luật để tránh vi phạm? - ảnh 1

Việc đổi tiền mới, tiền lẻ ngoài các đơn vị theo quy định của pháp luật đều là hành vi vi phạm (Ảnh minh họa)

Và hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, có thể bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định tại nghị định 88/2019. Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.

Tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra khi tham gia giao dịch bất hợp pháp người dân không được bảo đảm quyền lợi, khó khiếu nại. Trong trường hợp đổi tiền qua mạng, không theo quy định của pháp luật dẫn đến những rủi ro, mất tiền của tài sản, sẽ khó để khiếu nại lên cơ quan chức năng.

Có được đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết hay không, nắm rõ quy định của pháp luật để tránh vi phạm? - ảnh 2

Cẩn trọng với những lời quảng cáo đổi tiền mới, tiền lẻ qua mạng dịp Tết (Ảnh minh họa)

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao nên Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng tăng cường công tác tiền tệ - kho quỹ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa. Đồng thời thực hiện nâng cao chất lượng tiền cho lưu thông thông qua thu đổi và tuyển lựa tiền không đủ tiêu chuẩn. 

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều ngân hàng ưu tiên đổi tiền lẻ, tiền mới cho những khách hàng thân thiết, khách có gửi tiền tiết kiệm sau đó mới đến khách vãng lai.

Từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ dưới 10.000 đồng vào dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Đồng thời từ năm 2021, cơ quan này yêu cầu Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước.

Có được đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết hay không, nắm rõ quy định của pháp luật để tránh vi phạm? - ảnh 3

Nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ tăng cao dịp sát Tết nguyên đán (Ảnh minh họa)

Người dân muốn đổi tiền mới, tiền lẻ vào dịp Tết cần lưu ý:

Chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Cẩn trọng khi đổi tiền qua mạng, rủi ro có thể bị lừa tiền, chuyển khoản cọc xong không nhận được tiền đổi hoặc nhận phải tiền giả, tiền xấu.

Chỉ nên đổi tiền mới, tiền lẻ thông qua đường "chính ngạch" tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng thuộc quản lý của nhà nước.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục