Chơi hụi có gì thu hút mà ai cũng rủ nhau "đầu tư", nhiều người thắc mắc năm 2024 chơi hụi có bị pháp luật cấm hay không?
Chắc chắn mọi người đã từng nghe về việc chơi hụi hoặc thấy người thân trong gia đình tham gia. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn thắc mắc về "trò chơi" này là gì, thậm chí thỉnh thoảng lại có những vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng chục, thậm chí là cả trăm tỷ đồng nhưng sau đó vẫn có nhiều "đổ tiền" vào kênh đầu tư mang tên "Chơi hụi" này.
Chơi hụi là gì?
Chơi hụi được xem là một hình thức góp vốn và hỗ trợ tài chính (chủ yếu là tiền) giữa những người tham gia. Khi chơi hụi, sẽ có một người đứng ra làm chủ hụi và mời các thành viên khác cùng chơi (con hụi ). Thông thường mỗi nhóm hụi sẽ có từ 10 người trở lên. Chủ hụi sẽ có trách nhiệm thu tiền (hoặc tài sản) của con hụi, thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi,...
Giải thích chi tiết cách chơi hụi
Chơi hụi cũng có nhiều hình thức như: Hụi có lãi (Với kiểu này, người nào hốt trước sẽ lỗ nhiều, người "hốt hụi chót" sẽ lời nhiều. Thông thường, trong một chu kỳ hụi có lãi theo tháng, người hốt trước phải đóng nhiều tiền, người hốt sau phải đóng ít tiền hơn); Hụi không lãi (Là hình thức chơi hụi được xem là an toàn nhất)...
1. Cách chơi hụi có lãi
Ví dụ: Chủ hụi sẽ mở một dây hụi gồm 10 thành viên tham gia, với thời hạn là 10 tháng, mỗi tháng sẽ đóng 1.000.000 VND/người/tháng. Tổng cộng mỗi tháng dây hụi sẽ có 10.000.000 VND.
Trong tháng, nếu ai trong dây hụi cần tiền thì đặt ra mức lãi (muốn lấy tiền sớm thì phải trả lãi) hoặc trong trường hợp có nhiều người muốn rút tiền cùng một lúc, thì ai đưa ra mức lãi cao hơn sẽ được ưu tiên rút trước, đây được xem là hình thức đấu giá, ai trả lãi cao sẽ thắng. Cách tính tiền hốt hụi tháng sẽ như sau:
Ví dụ: A và B đều muốn hốt hụi vì cần tiền gấp. A đưa ra mức lãi 20% còn B đưa ra mức lãi 18%, như vậy A sẽ là người được phép rút tiền trước và phải chịu lãi suất 20%/10 triệu (cụ thể hơn là A chỉ được rút 8 triệu trên tổng 10 triệu đang có của dây hụi).
Sau khi rút tiền về, A vẫn phải đóng mỗi tháng 1.000.000 VND theo thỏa thuận cho tới khi kết thúc dây hụi. Đây được gọi là đóng hụi chết, A vẫn phải đóng đủ 10.000.000 VND/10 tháng, nhưng thực tế chỉ thu về có 8.000.000 VND.
Tương tự như các tháng về sau, ai cần tiền thì đặt lãi để hốt hụi, mỗi người sẽ được hốt một lần duy nhất trong suốt thời gian dây hụi bắt đầu và kết thúc. Càng về sau, lãi suất sẽ càng giảm so với lãi suất hốt hụi của lần đầu tiên. Vì vậy, thành viên muốn hưởng lợi nhiều nhất sẽ lựa chọn hốt hụi cuối cùng và được hưởng trọn lãi suất của những người hốt trước.
2. Cách chơi không lãi
Cách chơi hụi không lãi thường dành cho những người thân quen hoặc bạn bè thân thiết với nhau. Cách chơi này cũng có thể được hiểu là một thỏa thuận cho vay tiền không tính lãi. Cách tính hụi không lãi sẽ như sau:
Ví dụ: Một nhóm gồm 4 thành viên thân thiết với nhau và sẽ mở một dây hụi, cách chơi này có thể sẽ không cần đến chủ hụi:
4 người sẽ thỏa thuận mỗi tháng đóng 1.000.000 VNĐ/người/tháng. Tháng đầu tiên, 1 trong 4 thành viên sẽ dùng số tiề là 4.000.000 VNĐ để chi tiêu trước.
Tới tháng sau, mỗi thành viên vẫn đóng 1.000.000 VNĐ theo thỏa thuận cho tới khi tất cả các thành viên trong dây hụi đều được hốt hụi 1 lần. Như vậy, là kết thúc một dây hụi.
Chơi hụi có vi phạm pháp luật không?
Chơi hụi là một hình thức giao dịch tài sản đã tồn tại từ lâu đời. Việc chơi hụi là không vi phạm pháp luật và được đã được nhà nước đề ra các quy định để quản lý. Tuy nhiên, chơi hụi rất dễ bị biến tướng thành các hình thức cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Các hành vi biến tướng về chơi hụi như: tập hợp vốn trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi sẽ bị nghiêm cấm và xử phạt.
Về cơ bản, có thể thấy hụi là một hình thức để "chia sẻ" kinh tế nhàn rỗi, hỗ trợ tương thân theo vòng lặp. Nếu diễn ra đúng theo hình thức và minh bạch, đây là hoạt động lành mạnh. Tuy nhiên trên thực tế không phải dây hụi nào cũng được xem là "an toàn" để người chơi đầu tư tiền bạc.
Nhiều người khi chơi chưa tìm hiểu kỹ cách thức, nhẹ dạ cả tin vào những đối tượng chủ hụi. Những việc này đã vô tình tạo sơ hở cho các chủ hụi thực hiện hành vi gian dối. Tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng cảnh báo về tình trạng vỡ hụi. Đây cũng được coi là một hình thức lừa đảo và sẽ bị xử lý theo luật pháp quy định, tùy vào mức độ tài sản gây thiệt hại.