24h
Yeah1 News

Chính thức thông qua Luật Căn cước: Bỏ quê quán, dấu vân tay trên thẻ, thu thập thêm mống mắt

Thứ hai, 27/11/2023 | 09:03 (GMT+7)

Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước, đáng chú ý là việc bỏ thông tin quê quán, dấu vân tay trên thẻ. Những thông tin này chỉ lưu trong cơ sở dữ liệu.

Sáng ngày 27/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước, gồm 7 chương, 46 điều, trong đó có nhiều thông tin quan trọng. Luật Căn cước chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Chính thức thông qua Luật Căn cước: Bỏ quê quán, dấu vân tay trên thẻ, thu thập thêm mống mắt - ảnh 1

Quốc hội chính thức thông qua Luật căn cước (Ảnh báo Tuổi trẻ)

Những thông tin hiển thị trên thẻ

Theo Điều 18 quy định, các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước gồm: ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng. Mống mắt (phần hình tròn trong mắt), ADN, giọng nói; nghề nghiệp sẽ được tích hợp trong cơ sở dữ liệu căn cước.

Như vậy so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên căn cước.

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp...

Trong đó, với thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Chính thức thông qua Luật Căn cước: Bỏ quê quán, dấu vân tay trên thẻ, thu thập thêm mống mắt - ảnh 2

Có nhiều thay đổi thông tin quan trọng trong Luật căn cước chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2024 (Ảnh minh họa)

Cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi

Luật căn cước vừa được thông qua quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, so với luật hiện hành chỉ cấp căn cước cho công dân trên 14 tuổi. 

Khi được cấp thẻ căn cước, người dưới 14 tuổi có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ, giúp tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong việc cấp các loại giấy tờ này.

Mặt khác, thẻ căn cước nhỏ gọn, dễ bảo quản, tính bảo mật cao, thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho nhóm này không phức tạp vì thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu.

Chính thức thông qua Luật Căn cước: Bỏ quê quán, dấu vân tay trên thẻ, thu thập thêm mống mắt - ảnh 3

Công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước (Ảnh minh họa)

Hiệu lực của thẻ căn cước và việc thay đổi giấy tờ

Luật căn cước mới quy định thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật hiệu lực có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục