24h
Yeah1 News

Căn cước công dân đầu tiên của Việt Nam có từ 200 năm trước, hình dáng khiến ai cũng bất ngờ

Thứ hai, 29/01/2024 | 17:22 (GMT+7)

Sau khi lên ngôi, hoàng đế Quang Trung đã ghi lý lịch căn bản của mỗi người vào một tấm thẻ, được xem là căn cước công dân đầu tiên của Việt Nam.

Hoàng đế Quang Trung (1753-1792) tên khai sinh là Hồ Thơm, quê gốc ở tỉnh Nghệ An. Sau này ông đổi tên thành Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Bình. Hoàng đế Quang Trung được xem là một nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Việt Nam. Ông là hoàng đế thứ 2 của nhà Tây Sơn sau khi Nguyễn Nhạc thoái vị nhường ngôi cho ông.

Vua Quang Trung là người đã phát minh ra căn cước công dân quản lý xã hội
Vua Quang Trung là người đã phát minh ra căn cước công dân quản lý xã hội

Cuộc đời chiến đấu của vua Quang Trung để lại nhiều giá trị lịch sử trong nghiên cứu và học thuật. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Quang Trung sai quan ở địa phương rà soát sổ điền hộ, kê khai số định, số ruộng sẵn có để triều đình quản lý và quy định ngạch thuế.

Sau khi có đầy đủ thông tin, Quang Trung phát cho mỗi người một tấm thẻ có ghi rõ tên họ, quê quán và cho mọi người điểm chỉ dấu vân tay để xác minh thân phận và giúp quản lý nhân khẩu một cách dễ dàng hơn. Tấm thẻ này được gọi là tín bài hay cũng chính là căn cước công dân sơ khai của Việt Nam.

Hình ảnh minh họa của tín bài hay còn gọi là căn cước công dân đầu tiên của Việt Nam
Hình ảnh minh họa của tín bài hay còn gọi là căn cước công dân đầu tiên của Việt Nam

Tín bài dưới thời nhà Tây Sơn được dân gian miêu tả khắc 4 chữ "Thiên Hạ Đại Tín" ở giữa. Xung quanh tín bài là tên họ, quê quán, xuất thân cơ bản của cá nhân sở hữu. Ngoài ra, trên mỗi tín bài còn có dấu vân tay của người dân điểm chỉ như một cách chứng minh thân phận.

Kể từ năm 1788, vua Quang Trung bắt đầu triển khai những kế sách ổn định kinh tế, xã hội trong nước. Việc lưu hành tín bài cũng bắt đầu được áp dụng vào năm này. Khi ra đường, người dân phải mang theo tín bài trên người để phòng khi bị kiểm tra phải xuất trình thân phận. Đây cũng được xem là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý xã hội thời phong kiến.

Những ai không có tín bài sẽ bị nghi ngờ là tội phạm và bị bắt xung lính
Những ai không có tín bài sẽ bị nghi ngờ là tội phạm và bị bắt xung lính

Trong trường hợp nếu bị kiểm tra đột xuất mà không có tín bài thì người dân sẽ bị xem là người có tội và bị bắt xung lính. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tín bài của vua Quang Trung không chỉ có tác dụng thống kê dân số chính xác và hiệu quả mà nó còn giúp phát hiện gián điệp, thích khách hoặc những kẻ xấu có ý đồ mưu hại triều chính lẩn trốn trong dân chúng.

Nhà Tây Sơn cũng được xem là triều đại giúp nước ta tiến gần hơn đến công cuộc thống nhất và mở rộng bờ cõi đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt bởi sự tranh giành quyền lực của các thế lực Mạc - Trịnh - Nguyễn sau khi nhà Lê Sơ sụp đổ. 

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời khi còn khá trẻ. Quang Toản là người kế vị nhưng tuổi đời còn quá nhỏ khiến nhà Tây Sơn thiếu mất một lãnh đạo có đủ năng lực và khí thế. Sau này, Nguyễn Ánh đã thâu tóm quyền lực và lập nên nhà Nguyễn.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục