24h
Yeah1 News

Bí ẩn về Vua Hùng thứ 19 của Việt Nam, vì sao chưa bao giờ được nhắc đến?

Thứ hai, 22/04/2024 | 13:54 (GMT+7)

Nhiều người quan niệm có 18 vị Vua Hùng nhưng thực tế, một số tư liệu chứng minh có sự tồn tại của Vua Hùng thứ 19 nhưng ít ai biết.

Mỗi năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch, người dân Việt Nam lại tưởng nhớ đến công ơn dựng nước của các vị Vua Hùng. Điều này cũng thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm dân gian xưa nay, Việt Nam có 18 vị Vua Hùng, xưng hiệu là Hùng Vương.

Từ trước đến nay, nhiều người dân Việt Nam thường nghe tên 18 vị Vua Hùng
Từ trước đến nay, nhiều người dân Việt Nam thường nghe tên 18 vị Vua Hùng

Một số chuyên gia cho rằng, 18 vị Vua Hùng chỉ là một con số mang tính ước lệ vì dân gian tin rằng những thứ liên quan đến số 9 đều mang ý nghĩa tốt đẹp và vững bền. Chính vì thế, dân gian chọn con số 18 Hùng Vương là bội số của 9 để thể hiện quan niệm này.

Theo một số tư liệu được ghi chép, trên thực tế có đến 19 vị Vua Hùng. Vua Hùng thứ 19 lên ngôi được 6 năm rồi mất nên ngày nay hiếm có bằng chứng chứng minh về sự tồn tại của vị Hùng Vương cuối cùng của nhà nước Văn Lang.

Nhiều người không biết đến sự tồn tại của Vua Hùng thứ 19
Nhiều người không biết đến sự tồn tại của Vua Hùng thứ 19

Trong Bản Thần tích được lưu giữ ở xã Vi Cương, tỉnh Phú Thọ có một đoạn viết rằng, Hùng Duệ Vương - tức Vua Hùng thứ 18 đã truyền ngôi cho con trai trưởng của mình là Hùng Kính Vương. Sau khi Hùng Kính Vương lên ngôi và trị vì đất nước được 6 năm thì không may qua đời.

Hùng Duệ Vương - Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi cho Hùng Kính Vương nhưng sau 6 năm, Hùng Kính Vương qua đời
Hùng Duệ Vương - Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi cho Hùng Kính Vương nhưng sau 6 năm, Hùng Kính Vương qua đời

Vì không còn con trai nối dõi nên Hùng Duệ Vương buộc phải quay trở lại ngai vàng để tiếp tục quản lý đất nước. Mãi sau này khi ngày càng già yếu, sức khỏe suy sụp, Hùng Duệ Vương mới phải truyền ngôi lại cho con rể của mình là Nguyễn Tuấn - tức Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh.

Hình ảnh về Sơn Tinh và Thủy Tinh trong truyền thuyết
Hình ảnh về Sơn Tinh và Thủy Tinh trong truyền thuyết

Nguyên nhân khiến hậu thế hiếm khi nhắc đến Vua Hùng thứ 19 được các chuyên gia lý giải là do có quá ít tài liệu về vị vua này được ghi chép và lưu giữ. Thực tế, Hùng Kính Vương chỉ lên ngôi 6 năm nên không có nhiều tư liệu. Ngay cả tên húy, ngày sinh, ngày mất của Hùng Kính Vương cũng không được ghi lại. Chính vì vậy người dân sau này hiếm biết đến sự tồn tại của ông.

Ngày Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng ngày nay diễn ra vào mùng 10 tháng Ba mỗi năm
Ngày Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng ngày nay diễn ra vào mùng 10 tháng Ba mỗi năm

Tuy ít được nhắc đến nhưng Hùng Kính Vương lại khá nổi tiếng trong dân gian. Câu chuyện về thành ngữ "ngựa quen đường cũ" được cho là bắt nguồn dưới thời đại trị vì của vị vua này. Theo lời truyền, ở vùng Kẻ Đọi có một bộ lạc sở hữu con ngựa đẹp tuyệt vời và rất quý giá. Một hôm, viên Bồ chính của vùng phát hiện con ngựa ấy và nảy sinh lòng tham, muốn cướp về làm của riêng.

Lạc dân bị mất ngựa oan uổng nên tìm đến Hùng Kính Vương để đòi lại công bằng. Thế nhưng cả Lạc dân và Bồ chính đều khăng khăng đây là ngựa của mình. Cuối cùng, vị Vua Hùng thứ 19 đành phải giữ con ngựa lại và cho hai người quay về nhà trước.

Câu thành ngữ 'Ngựa quen đường cũ' có liên quan đến Vua Hùng thứ 19
Câu thành ngữ "Ngựa quen đường cũ" có liên quan đến Vua Hùng thứ 19

Chiều hôm đó, Vua Hùng thứ 19 đã thả con ngựa ra và cho người theo sát con ngựa. Sau khi được tự do, con ngựa không ngần ngại tức tốc chạy thật nhanh về nhà của Lạc dân. Từ đó, Hùng Kính Vương đã tìm ra sự thật là con ngựa thuộc về Lạc dân chứ không phải viên Bồ chính. Câu chuyện trên góp phần ca ngợi sự thông minh, tài đức của Vua Hùng thứ 19. Đến nay, câu nói "Ngựa quen đường cũ" được dùng thông dụng nhằm ám chỉ những thói quen khó sửa đổi.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục