Chiếc kiệu 8 người khiêng được xem là nghi thức long trọng và xa hoa bậc nhất thời cổ đại. Nhưng ít ai biết bí mật đằng sau phương tiện độc lạ này.
Thời cổ đại, phương tiện di chuyển chưa có nhiều phát minh hiện đại như ngày nay nên người ta thường tận dụng những động vật hoặc dụng cụ gần gũi trong cuộc sống. Nếu di chuyển xa, người ta thường cưỡi ngựa hoặc cưỡi lừa. Một chuyến đi có thể kéo dài nhiều ngày do tốn thời gian dừng lại nghỉ chân.
Trong khi đó, mỗi dịp lễ lớn, người dân thời xưa thường sử dụng một phương tiện là kiệu có người khiêng để di chuyển. Thế nhưng không phải bất kỳ ai cũng được ngồi kiệu này. Đãi ngộ cao nhất của thời phong kiến có thể xem là ngồi kiệu 8 người khiêng (hay còn gọi là kiệu bát cống).
Đặc điểm của kiệu 8 người khiêng là có kích thước lớn nhưng chỉ đủ chỗ ngồi cho 1-2 người bên trong. Thông thường, sẽ có 8 chàng trai lực lưỡng được gọi đến để làm người khiêng kiệu/nâng kiệu. Họ sử dụng sức người để nâng kiệu lên cao và cùng nhau khiêng kiệu di chuyển đến địa điểm.
Được biết, kiệu 8 người khiêng thường được dùng vào những dịp trọng đại như đám cưới hoặc lễ đón Trạng Nguyên, quan lớn về làng. Trong thời cổ đại ở Trung Quốc, kiệu 8 người khiêng có thiết kế vô cùng chắc chắn, bên ngoài được chạm trổ nhiều họa tiết mang ý nghĩa may mắn, cầu chúc tốt lành.
Hình ảnh một chiếc kiệu 8 người khiêng thời phong kiến Trung Quốc đến nay vẫn được trưng bày trong Bảo tàng Chiết Giang. Theo lời kể lại, ở khu vực Ninh Ba, Chiết Giang ngày trước, những gia đình quyền quý, hoàng tộc thường rất coi trọng nghi thức khi cưới gả con gái của mình.
Họ luôn mong muốn cho con gái của hồi môn tốt nhất để con không chịu thiệt thòi khi sang nhà chồng. Cũng từ đó mà hạn chế việc nhà chống đối xử không tốt hay khinh rẻ con gái của mình. Tương truyền chiếc kiệu 8 người khiêng do một thương nhân tên Ngu Di Khanh, được mệnh danh là "thần tài sống" đặt làm cho con gái mình.
Ngu Di Khanh đã bàn bạc chuyện cưới gả con gái cho một chàng trai lớn lên trong một gia tộc quyền quý bậc nhất thời bấy giờ. Vì nhà không có gì nhiều ngoài tiền nên Ngu Di Khanh muốn làm một đám cưới hoành tráng nhất để con gái nở mày nở mặt và không phụ tiếng tăm của gia đình.
Lúc bấy giờ, ông đã đặt những người thợ lành nghề tạo nên chiếc kiệu 8 người khiêng mà không dùng một cây đinh nào vẫn vô cùng vững vàng, chắc chắn. Được biết, để hoàn thành chiếc kiệu 8 người khiêng này phải tốn đến 10.000 công. Thời xưa, nếu 1 người thợ làm việc trong 1 ngày được gọi là 1 công.
Theo cách tính đó , nếu chiếc kiệu này do 1 người thợ duy nhất tạo nên thì phải mất đến 30 năm để hoàn thiện. Đặc điểm nổi bật của chiếc kiệu 8 người khiêng không chỉ có vẻ ngoài vô cùng đồ sộ mà nó còn không có cửa. Mỗi khi tân nương xuất giá sẽ có 1 người thợ đi theo. Công việc của người thợ này là tháo lắp cửa ra vào mỗi lần tân nương di chuyển lên xuống kiệu.
Ngoài ra, theo một số tài liệu ghi chép lại, những họa tiết động vật được khắc trên kiệu còn có thể cử động theo nhịp điệu di chuyển của chiếc kiệu 8 người khiêng này. Với không gian thiết kế bên trong có nhiều khoảng trống, điều này đảm bảo cho tân nương không bị ngột ngạt nếu thời gian di chuyển lâu.