Đây là dòng họ ghi tên vào kỷ lục Guinness của Việt Nam khi có rất nhiều người đỗ đạt cao và làm quan lớn trong triều đình, phụng sự công việc cho đất nước.
Từ xưa đến nay, nhà nước phong kiến của Việt Nam xưa trải qua nhiều triều đại với sự trị vì của nhiều bậc vua chúa kiệt suất. Để có thể tuyển chọn được nhiều hiền tài giúp ích cho nhân dân và đất nước, vua chúa không ngừng thi hành chính sách như tổ chức các khoa thi mỗi năm để các sĩ tử thử tài. Điều này trở thành truyền thống tốt đẹp khuyến khích mọi người không ngừng học hỏi, trau dồi tri thức.
Để được đề tên trên "bảng vàng", các sĩ tử phải trải qua nhiều vòng thi cam go, khốc liệt và cạnh tranh với rất nhiều người để có được vị trí từ tiến sĩ trở lên. Một gia tộc có 1-2 người đỗ đạt cao và ra làm quan đã hiếm thấy, huống hồ có một dòng họ tại Việt Nam ghi nhận đến 5 thành viên trở thành những vị quan giúp ích cho vua và đất nước.
Sách "Những người thầy trong lịch sử Việt Nam" có nhắc đến 2.898 người từng đỗ đại khoa (vị trí từ hàng tiến sĩ trở lên) trong khoảng thời gian từ năm 1075 đến 1919. Trong đó, độc giả tìm thấy mối liên hệ của 5 người trong dòng họ Ngô sống ở vùng Lý Trai, tỉnh Nghệ An.
Gia phả của dòng họ Ngô Trí tại Diễn Châu (Nghệ An) có viết, cụ Ngô Công Định vốn là người Bắc Ninh. Sau khi vào Nghệ An lập nghiệp vào cuối thế kỷ XV, ông xây dựng gia đình và từ đó, dòng họ Ngô Lý Trai ra đời.
Đây là dòng họ nổi tiếng trong sử sách khi có số người đỗ đạt khoa cử ra triều làm quan nhiều nhất lịch sử Việt Nam. Từ đời thứ 5 của dòng họ Ngô Lý Trai, người ta đã ghi nhận 2 nhân vật đỗ đại khoa là cụ Ngô Trí Tri và con trai của cụ - Ngô Trí Hoà .
Năm Nhâm Thình 1592, trong khoa thi dưới thời vua Lê Thế Tông, 2 cha con Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hoà cùng đăng ký tham gia và thu được kết quả mỹ mãn. Theo đó, cụ Ngô Trí Tri (53 tuổi) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, cụ Ngô Trí Hoà (28 tuổi) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Ngày nay, không chỉ trong gia phả dòng họ ghi chép mà tại Văn bia số 21 trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) có viết lại câu chuyện từng xảy ra trong lịch sử. Đây là lần đầu tiên khoa thi trong lịch sử phong kiến Việt Nam có 2 cha con một nhà cùng đỗ tiến sĩ.
Sau khi đỗ đạt, cụ Ngô Trí Tri giữ chức Giám sát ngự sử đạo Quảng Nam, sau đó lên Tả thị lang bộ Lễ. Cụ Ngô Trí Hoà thì được sắp xếp giữ chức Hiến sát sứ Sơn Tây, sau này ông được phong Thiếu bảo, Hiệp mưu tá lý dục vân tán trị công thân nhờ chiến công hiển hách dẹp loạn Sơn Tây vào năm 1623. Cụ Ngô Trí Hoà được xem là một trong những trung thần và công thần dưới triều vua Lê, chức vụ cao nhất trong cuộc đời ông từng giữ là Thượng thư bộ Hộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám.
Đến năm Bính Tuất (1646), dưới thời vua Lê Chân Tông, con trai của cụ Ngô Trí Hoà là cụ Ngô Sĩ Vinh cũng tham gia khoa cử và đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Ông được nhậm chức Quang Lộc Tự Khanh và được truy tặng Tằng Tả thị lang, tước hầu trước khi lâm chung.
Sau đời cụ Ngô Sĩ Vinh là người cháu nhánh trên tên Ngô Công Trạc cũng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ vào khoa thi năm 1694 dưới triều vua Lê Hy Tông. Cụ Ngô Hưng Giáo được ghi chép từng đỗ Tiến sĩ tại khoa thi năm 1710. Như vậy, dòng họ Ngô ở Lý Trai đã có 5 đời liên tiếp đỗ đạt công danh và giữ các chức vị cao quý trong triều đình.
Ảnh: Tổng hợp