Một số người cho rằng bài toán tiểu học này rất hay, phát triển tư duy logic cho trẻ nhưng cũng có người nhận định trái chiều, gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Ngay từ khi trẻ còn chưa vào Tiểu học, nhiều cha mẹ đã gửi con đến các trung tâm giáo dục để con làm quen với những môn căn bản trước như Toán hay Làm văn. Chính vì vậy khi trẻ vào lớp 1, mỗi em đã vững vàng kiến thức của năm học đó. Tuy vậy, các thầy cô giáo vẫn khuyến khích trẻ mở rộng tư duy khi luôn tìm tòi những đề bài mới lạ, đánh đố nhằm phát triển logic cho trẻ.
Thế nhưng mới đây, một bài toán được chia sẻ lên mạng xã hội khiến ai cũng "dở khóc dở cười". Theo đó, người đăng bài cho biết, con trai của mình đang học lớp 1 và được cô giáo giao bài toán về nhà mang tên "đại bàng và gà con". Nội dung đề bài toán như sau:
"Có 7 đứa trẻ cùng chơi trò 'đại bàng và gà con', trong đó, 3 chú gà con bị bắt, hỏi còn lại mấy chú gà con?"
Đứa trẻ sau đó đã trả lời đáp án là 2. Lý giải đáp án này, em học sinh đó cho biết, ban đầu có 7 người chơi, sau đó có 3 người chơi trong vai gà con bị bắt, thêm 1 người làm đại bàng và 1 người làm gà mẹ theo đúng quy luật, như vậy, ta lấy 7 - 1 - 3 - 1 = 2. Đáp án là còn lại 2 chú gà con.
Tuy nhiên, sau khi nộp bài tập cho giáo viên ở trường, bài toán của em học sinh này bị gạch sai vì không trùng với đáp án chuẩn. Đáp án cuối cùng của bài toán này phải là 3. Sau khi được hỏi, cô giáo giải đáp thắc mắc do em học sinh tự thêm dữ kiện 1 gà mẹ trong khi đề bài không nhắc tới.
Điều này khiến phụ huynh của học sinh trên vô cùng bức xúc: "Sao có thể không có gà mẹ? Nếu không có gà mẹ thì đại bàng sẽ bắt hết gà con? Đề bài toán nên được đưa ra phù hợp với thực tế chứ không phải áp dụng dựa trên lý thuyết". Thậm chí, phụ huynh còn cho rằng, cô giáo có thể cho lớp thử tái hiện trò chơi "đại bàng và gà con" để xem thử nếu thiếu gà mẹ thì trò chơi có diễn ra được hay không.
Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng chia thành 2 luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng câu hỏi muốn vận dụng thực tế để trẻ dễ tưởng tượng nhưng lại quá cứng nhắc, không linh động.
Một số netizen khác bày tỏ, loại câu hỏi tư duy thế này nên được mở rộng đáp án. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ cũng chế giễu đề bài toán vì cho rằng nó đang "dạy trẻ tính tự lập từ khi còn bé, không cần sự bảo vệ của mẹ giống như đàn gà con khi đối diện với đại bàng"...
Như vậy, cuối cùng đáp án là 2 hay 3 vẫn còn là một ẩn số khiến nhiều người tranh luận không ngừng.
Ảnh: Tổng hợp