Ăn chay mà vẫn bị gan nhiễm mỡ? Điều này khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc về nguyên nhân.
Gan nhiễm mỡ có thể hiểu đơn giản là tình trạng tích tụ nhiều mỡ thừa trong gan. Tình trạng này có thể gây tổn thương gan, viêm gan và tạo sẹo, thậm chí dẫn đến suy gan. Có thể phân chia bệnh thành 2 nhóm là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn tới lượng mỡ trong gan, đa số người bệnh gan nhiễm mỡ chọn cách ăn chay để điều trị bệnh, tuy nhiên ăn chay cũng cần phải đúng cách. Mới đây, diễn đàn sức khỏe VnExpress, một độc giả cho biết "Mẹ tôi 57 tuổi, ăn chay ba năm nay, khám sức khỏe tổng quát bị gan nhiễm mỡ độ một. Tại sao ăn chay vẫn mắc bệnh gan nhiễm mỡ, điều trị khỏi không?"
Trên thực tế, dựa theo nhiều thống kê lâm sàng, các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng những người ăn chay lâu năm thường dễ mắc các bệnh máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ. Nguyên nhân chủ yếu là do người ăn chay thường thêm quá nhiều dầu thực vật và gia vị để cải thiện hương vị của món chay. Nhiều người khi áp dụng ăn chay chỉ ăn nguyên rau xanh khiến cho cơ thể thiếu đi những dưỡng chất cần thiết để đảm bảo các chuyển hóa cơ bản và chức năng bình thường của cơ thể.
Lý giải nguyên nhân vì sao người ăn chay bị gan nhiễm mỡ. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Thùy (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, thông thường, ăn chay với nguồn nguyên liệu từ thực vật không gây ra gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, người ăn chay vẫn có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ do thiếu dinh dưỡng.
Người ăn chay, kiêng chất béo và đạm từ động vật, chỉ ăn rau củ, tinh bột, các loại hạt. Nếu chế độ ăn chay thiếu cân bằng, không đủ dưỡng chất, cơ thể thiếu hụt nguồn năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày làm tăng cảm giác đói, từ đó tăng khẩu phần ăn, kéo theo lượng calo nạp vào cơ thể nhiều hơn.
Chuyên gia cho rằng ăn thực phẩm chay khó có cảm giác no nên nhiều người thường tăng khẩu phần ăn. Ví dụ, người bình thường chỉ ăn một bát cơm thì khi ăn chay tăng lên ăn hai bát. Việc này khiến lượng đường nạp vào cơ thể tăng lên đáng kể.
Người ăn chay cũng có thể bị gan nhiễm mỡ nếu ăn nhiều các món chay giàu carbohydrate như cơm, mì, bún, bánh phở... Cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành chất béo, lâu ngày gây ra gan nhiễm mỡ. Nếu các món chay được chế biến theo kiểu chiên xào, bổ sung nhiều gia vị, lượng lớn chất béo, đường khiến các món chay có lượng calo cao hơn bình thường.
Một số người ăn chay có xu hướng bổ sung vitamin tự nhiên từ trái cây. Mặc dù ăn trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng chúng chứa nhiều đường tự nhiên. Nếu tiêu thụ quá nhiều đường, gan chuyển hóa chúng thành glycogen và dự trữ, phần vượt quá lượng dự trữ trở thành chất béo. Một số loại trái cây cũng chứa chất béo. Ví dụ bơ rất giàu chất béo tốt nhưng ăn nhiều làm tăng lượng calo nạp vào cho cơ thể, tăng khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Để đảm bảo sức khỏe, cần ăn chay đúng cách như kết hợp cân bằng 4 nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể (chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất). Tăng lượng đạm từ thực phẩm chứa nhiều đạm bao gồm các loại đậu, sữa hạt, nấm... Những trường hợp ăn chay không đảm bảo dưỡng chất cần bổ sung một số vi chất cần thiết như canxi, kẽm, sắt, magie... theo tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.
Tùy mức độ gan nhiễm mỡ mà bác sĩ chỉ định dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động phù hợp. Ngoài siêu âm ổ bụng, bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm máu để xác định tình trạng men gan, mỡ máu, đường huyết...
Tình trạng gan nhiễm mỡ ở giai đoạn một thường cải thiện sau khi điều chỉnh lối sống, có chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục thể thao đều đặn, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, kiểm soát stress. Nếu cần thiết, bác sĩ tư vấn hoặc kê thuốc chứa các tinh chất thiên nhiên như Wasabia, S. Marianum hỗ trợ tế bào gan.