Một số loại rau đặc trưng như giá đỗ, các loại rau họ đậu hoặc bông cải xanh... thường chứa nhiều độc tố và cần phải chần nước sôi trước khi chế biến.
1. Các loại rau họ đậu chứa lectin
Các nghiên cứu về lectin động vật cho thấy chúng có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều lectin qua chế độ ăn có thể gây hại cho thành ruột, dẫn đến kích ứng cơ thể và gây ra các triệu chứng như tiêu chảy và buồn nôn.
Lectin trong thực vật có thể bị phá hủy khi được đun nóng kỹ. Các loại đậu như đậu thận, đậu đũa, đậu đỏ... thường cần được nấu ở nhiệt độ 100°C trong hơn 10 phút để đảm bảo an toàn khi ăn.
2. Hương xuân chứa nitrit
Nitrit rất nguy hiểm vì nó có thể phản ứng với các sản phẩm phân hủy protein trong môi trường axit và tạo ra nitrosamine, một chất đã được xác định là gây ung thư. Dù một lượng nhỏ nitrit không gây hại cho cơ thể con người, nhưng nếu tiếp xúc với nhiều nitrit, nó có thể gây độc.
Khi chần hương xuân, bạn có thể loại bỏ khoảng 80% nitrit trong vòng 30 giây và khoảng 83,86% nitrit trong 45 giây. Vì vậy, khi sử dụng hương xuân, hãy nhớ trụng trong nước sôi khoảng 30-40 giây.
3. Rau muống, rau dền, rau răm, măng tươi, mướp đắng và các loại rau đắng khác có hàm lượng axit oxalic cao
Axit oxalic dễ dàng kết hợp với các khoáng chất như canxi và sắt trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và sử dụng những khoáng chất này. Tuy nhiên, axit oxalic tan trong nước, do đó, tốt nhất bạn nên chần các loại rau này trước khi ăn để loại bỏ axit oxalic. Đặc biệt, khi nấu súp với các loại rau này, hãy nhớ chần riêng rau trước khi cho vào súp.
4. Giá đỗ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn gây bệnh
Giá đỗ phát triển trong môi trường ẩm ướt và ấm áp, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi của vi sinh vật và vi khuẩn. Các loại vi khuẩn thường gặp bao gồm Listeria, Salmonella và E. coli. Nhiễm Salmonella và E. coli có thể dẫn đến các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và sốt; trong khi nhiễm Listeria có thể gây ra sốt, nhức đầu, buồn nôn và đau bụng. Tuy nhiên, bạn có thể loại bỏ các vi khuẩn này bằng cách chần giá đỗ qua nước nóng.
5. Sắn và bạch quả chứa glycoside cyanogen
Glycoside cyanogen hiện diện trong khoảng 2.000 loài thực vật. Thực tế, glycoside cyanogen tự nó không gây độc, nhưng khi tế bào thực vật bị phá vỡ, glycoside cyanogen sẽ một phần chuyển hóa thành axit hydrocyanic, chất này có thể gây ngộ độc cho con người.
Chất này có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, huyết áp giảm, chóng mặt, nhức đầu, đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy và các phản ứng ngộ độc khác. Trong các trường hợp nghiêm trọng, nó thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Glycoside cyanogen tan trong nước và có thể bị phá hủy khi đun nóng. Do đó, chúng có thể được tiêu thụ sau khi bỏ vỏ hạt và mầm, ngâm và chần cho đến khi chín.
6. Các loại rau như bông cải xanh, súp lơ trắng, nấm và tảo bẹ có bề mặt khó vệ sinh.
Để làm sạch hiệu quả, nên chần qua nước sôi những loại rau này để loại bỏ bụi bẩn. Hơn nữa, nấm và tảo bẹ chưa được làm sạch cũng có thể chần qua nước sôi.