Cố nữ NSƯT Thanh Nga bị ám sát sau khi diễn gây chấn động. Bà cũng là nữ NS cải lương duy nhất được đặt tên cho 1 con đường ở TP.HCM.
Những con đường trên khắp Việt Nam được đặt tên theo danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, tên địa danh hoặc tên theo tập quán. Trong đó, nhiều người có thể nhận ra đa số con đường lớn đều mang tên các vị Vua, các anh hùng có công với đất nước. Tuy nhiên vẫn có những tên phố, tên đường mang tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Theo đó, ở TP.HCM có 1 con đường mang tên 1 nữ nghệ sĩ ưu tú được mệnh danh là huyền thoại của cải lương của Việt Nam là cố nữ NS Thanh Nga. Ngoài Thanh Nga, Năm Châu cũng là nghệ sĩ từng được đặt tên cho 1 con đường tại quận Tân Bình. Như vậy, cố NS Thanh Nga chính là nữ NSƯT cải lương duy nhất cho tới thời điểm hiện tại được đặt tên cho 1 con đường ở TP.HCM.
Vào ngày 4/5/2015, buổi trao kỷ niệm chương cho gia đình NSƯT Thanh Nga đã được tổ chức, đồng thời chính thức đặt tên đường Thanh Nga cho đường 21A đã diễn ra tại Q.9 TPHCM.
Trong suốt 30 năm qua, có rất nhiều bài báo, cuốn sách đã viết về cuộc đời, những mối tình cũng như tài năng sân khấu và cả cái chết trẻ gây rúng động của nghệ sĩ Thanh nga (1942-1978). Cụ thể, vào năm 1978, vợ chồng nữ NSƯT Thanh Nga đã bị ám sát (bắn chết).
Theo Báo công an Thành Phố Hồ Chí Minh: "Nữ nghệ sĩ (NS) có ảnh hưởng rất lớn trong lòng công chúng này đã bị 2 tên cướp bắn chết cùng chồng vào đêm 26/11/1978, khi bà mới diễn xong vai Thái hậu Dương Vân Nga với bộ trang phục đỏ và vẫn đang cùng chồng, con ngồi trong xe hơi. Quá trình điều tra, truy bắt 2 tên sát nhân này cùng đồng bọn kéo dài 139 ngày đêm là thử thách rất lớn, tốn rất nhiều công sức, tiền của và cả xương máu của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an TPHCM trong vụ án rúng động dư luận cả nước với những bất ngờ, kỳ lạ này!"
Thanh Nga đã trở thành cố nữ NS huyền thoại của nền cải lương Việt Nam dù ra đi ở tuổi đời còn trẻ. Bà được nhiều thế hệ tiếp bước ngưỡng mộ vì tài năng của mình. Thanh Nga còn được xem như một "Nữ hoàng sân khấu" khi là cô đào có tài sắc vẹn toàn hiếm có trong lịch sử sân khấu Việt Nam.
Bên cạnh nhan sắc làm xiêu lòng người hâm mộ, cố nữ NS Thanh Nga còn mang trong mình một giọng hát ngọt ngào nhưng trầm buồn, day dứt. Thêm vào đó, bà còn có tài hóa thân vào nhân vật vô cùng sống động. Những vở diễn mà NSƯT Thanh Nga tham gia gây thương nhớ với nhiều thế hệ khán giả phải kể đến như: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, Sơn nữ Phà Ca,...
Đám tang của cố NS Thanh Nga được ghi sâu vào lòng người Sài Gòn thời đó, hàng ngàn người đã đưa tiễn bà kéo dài nhiều cây số. Vào năm 1984, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú với những đóng góp cho nghệ thuật. 37 năm sau cái chết của nghệ sĩ tài danh, tên bà được đặt cho một con đường thuộc khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM.