Tại Việt Nam hiện chỉ có hai trường đại học đào tạo chính quy ngành học đang được ưa chuộng này, đó là Học viện Ngoại giao và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 2024, ngành này trong top điểm chuẩn cao nhất.
Ngành học chỉ có 2 trường ở Việt Nam đào tạo
Trước xu hướng toàn cầu hóa, việc hợp tác và kết nối giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng trở nên chặt chẽ ở mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch, giáo dục,… Điều này dẫn đến nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trong ngành Truyền thông quốc tế để đáp ứng nhu cầu kết nối con người và truyền tải thông tin toàn cầu.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, đến năm 2025, thị trường lao động cần đến 21.600 nhân sự trong ngành Truyền thông - Quảng cáo mỗi năm. Con số này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên theo học ngành Truyền thông quốc tế.
Sau khi ra trường, các bạn trẻ có thể làm việc trong lĩnh vực truyền thông quốc tế tại các cơ quan nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế với các vị trí như: phát thanh viên, nhà báo, nhà ngoại giao; chuyên viên quan hệ công chúng, tư vấn viên truyền thông; chuyên viên quản lý truyền thông, quản lý sản xuất các sản phẩm báo chí và truyền thông. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể thử sức với các công việc liên quan đến sáng tạo nội dung, thiết kế nội dung cho website, fanpage hoặc chương trình truyền hình; làm phóng viên cho báo chí, tạp chí, đài truyền hình, đài phát thanh…
Môi trường làm việc trong ngành Truyền thông quốc tế được đánh giá là khá cạnh tranh. Mức lương trong ngành này thường ở mức khá đến cao và có tiềm năng phát triển tốt trong tương lai nhờ nhu cầu tuyển dụng cao, trong khi số lượng cơ sở đào tạo lại hạn chế. Theo khảo sát từ các trường đại học, mức lương khởi điểm của sinh viên ngành Truyền thông quốc tế khi mới ra trường dao động từ 8 – 14 triệu đồng. Với kinh nghiệm, mức lương có thể đạt đến 20 triệu đồng/tháng. Ở cấp quản lý, thu nhập có thể từ 25 – 50 triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, hiện có hai trường đại học đào tạo chính quy ngành Truyền thông quốc tế: Học viện Ngoại giao và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Học viện Ngoại giao đã chính thức đào tạo hệ chất lượng cao chuyên ngành này từ năm 2010, trong khi Học viện Báo chí và Tuyên truyền bổ sung ngành học này vào hệ thống đào tạo từ năm 2008.
Điểm chuẩn cao chót vót, ra trường cơ hội việc làm rộng mở
Điểm chuẩn của ngành Truyền thông quốc tế trong mùa tuyển sinh 2024 thuộc top cao nhất. Ngành Truyền thông quốc tế, còn được gọi là Truyền thông toàn cầu hay Truyền thông xuyên quốc gia, là một lĩnh vực chuyên biệt trong ngành Truyền thông, tập trung vào việc truyền tải thông tin đến đối tượng ở các quốc gia khác nhau.
Ngành học này bao gồm một hệ thống hoạt động truyền thông đa dạng, thực hiện bởi đội ngũ phóng viên, nhà báo, và nhà truyền thông chuyên nghiệp với trình độ cao và am hiểu sâu rộng về các vấn đề quốc tế. Mục tiêu chính là kết nối thông tin và quảng bá văn hóa giữa các quốc gia.
Ngành Truyền thông quốc tế đòi hỏi người học phải có kiến thức sâu rộng về văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của các quốc gia trên thế giới. Sinh viên không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản về truyền thông, biên tập, viết lách, phân biệt thông tin, mà còn được đào tạo chuyên sâu các kỹ năng cần thiết để thực hiện các kế hoạch truyền thông đối ngoại. Các kỹ năng này bao gồm tổ chức sự kiện, phát ngôn, tư vấn đối ngoại, thuyết trình và dịch thuật.
Với tính chất mới mẻ, trẻ trung và sáng tạo, ngành Truyền thông quốc tế là lựa chọn phù hợp cho những bạn hướng ngoại, yêu thích hoạt động giao lưu và kết nối. Tuy nhiên, những người hướng nội cũng có thể thành công trong ngành học này, vì nó cũng có những vị trí phù hợp với những người có khả năng viết lách, phân tích hoặc sử dụng ngôn ngữ tốt.
Đây là ngành học đang rất "hot", nên trong những năm qua, ngành Truyền thông quốc tế luôn nằm trong top những ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như Học viện Ngoại giao.
Ngày 17/8 vừa qua, Học viện Ngoại giao đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, ngành Truyền thông quốc tế khối C00 (Ngữ Văn, Địa lý và Lịch sử) có điểm chuẩn là 29,05 điểm, đứng thứ hai chỉ sau ngành Trung Quốc học.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2024, chuyên ngành Truyền thông quốc tế công bố điểm chuẩn theo ba phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp, xét học bạ và xét tuyển kết hợp (điểm SAT, IELTS hoặc tương đương).
Cụ thể, với hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn của chuyên ngành Truyền thông quốc tế ở khối D01 (Toán, Văn và tiếng Anh) là 35,2 điểm; khối A01 (Toán học, Vật lý và tiếng Anh) là 35,2 điểm; khối D72 (Văn, Khoa học tự nhiên, tiếng Anh) là 34,7 điểm và khối D78 (Ngữ Văn, Tiếng Anh và Khoa học Xã hội) là 36,2 điểm.