Là người làm việc lâu năm trong lĩnh vực sức khỏe, với vai trò là TGĐ - Công ty CP hợp tác Y tế Việt Nam Nhật Bản (VJIIC), anh Ba đã có chia sẻ thú vị về nền Y tế nước nhà.
Xin chào anh Ba, những năm điều hành doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19, anh và đội ngũ lãnh đạo đã lèo lái công ty theo tinh thần thế nào?
Mặc dù đã nhìn trước và lên kế hoạch từ A-Z, nhưng công ty cũng gặp phải một số vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi tiến hành cắt giảm nhân sự, thu hẹp văn phòng và cắt giảm tất cả những chi tiêu lặt vặt không cần thiết, tiến hành thay thế và đẩy mạnh các dịch vụ đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn như tập trung phát triển dịch vụ khám và tư vấn bệnh, kê đơn thuốc theo hình thức trực tuyến, tư vấn bệnh thông qua hồ sơ bệnh án, …
Điều đặc biệt, trong văn hóa tất cả lãnh đạo và nhân viên đều rất quan tâm, coi như gia đình lớn. Để từ đó, mọi người vẫn tâm huyết và yêu cái nghề cầu nối “đem lại sức khỏe và tính mạng cho người bệnh như một cái nghiệp của bản thân”.
Vừa qua, nhận thấy VJIIC có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe, điều gì giúp cho anh luôn giữ vẫn được ngọn lửa “Việc làm tử tế” ấy?
Khi bắt đầu dịch Covid-19 bùng phát, nhân viên VJIIC tại Nhật Bản lại càng bận bịu hơn với các hoạt động từ thiện hỗ trợ cộng đồng. Rất nhiều việc phải làm như: phổ cập các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, cách xử trí khi không may bị nhiễm hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, liên lạc với cơ sở y tế nước sở tại, cung cấp các vật dụng y tế cần thiết khi phải tự cách ly hoặc điều trị tại nhà, ...
Đối với tôi, được giúp đỡ người khác đã là một điều hạnh phúc, giúp đỡ đồng bào của mình tại nơi đất khách quê người, đó chính là điều mà khiến tôi cảm thấy việc làm trở nên ý nghĩa hơn bất cứ thứ gì khác. VJIIC sẽ không ngừng phát triển, vững mạnh để mang theo và tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác có được hạnh phúc trong cuộc sống.
Theo anh, bức tranh của ngành sức khỏe tại Việt Nam mà VJIIC theo đuổi trong những năm tới sẽ có sắc màu như thế nào? Và thị trường Y tế Việt Nam có chuyển biến phát triển so với Nhật Bản không?
Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ tăng cao. Theo tôi nhìn nhận, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói của Việt Nam rất cao. Đặc biệt là dịch vụ du lịch y tế, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Trong bối cảnh dân số già của Nhật Bản không có đủ chỗ tại các viện dưỡng lão trong nước, mà giá cả lại quá cao so với thị trường tại Việt Nam nên hình thức du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe ngắn và dài hạn tại Việt Nam đối với khách hàng Nhật Bản là một cơ hội rất lớn.
Quan hệ giao hữu mật thiết trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở một tầm cao mới nên tôi hy vọng rằng ngành Y tế Việt Nam cũng sẽ dần dần phát triển theo kịp Nhật Bản.
Đến thời điểm hiện tại, anh có nhận thấy tình hình thị trường Y tế Việt Nam đã có những khó khăn gì mà anh đáng lưu tâm nhất không?
Tại Việt Nam thì thói quen “có bệnh thì vái tứ phương” ai bảo gì thì làm theo đó rất nguy hiểm. Thậm chí có không ít người lựa chọn các hình thức chữa bệnh mê tín dị đoan để rồi tiền mất tật mang.
Người dân Việt Nam phần lớn thường truyền tai nhau TPCN là loại thực phẩm không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản mà còn có khả năng chống lại bệnh tật”. Thật hoang đường! Tôi không nói đến tất cả các loại TPCN và cũng không nói là TPCN hoàn toàn không có tác dụng. Tuy nhiên, việc đánh lừa định nghĩa giữa TPCN và thuốc, việc “thổi phồng” chức năng có thật và tác dụng thật của nó để kiếm tiền trên niềm tin của người nhà và sự bất hạnh của bệnh nhân là điều tôi không thể dung túng và chấp nhận.
Anh có thể cho lời khuyên để mọi người ý thức trong việc sử dụng TPCN an toàn, để tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”, thưa anh?
Sự mập mờ và không hiểu biết rõ ràng giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã khiến không ít bệnh nhân lựa chọn TPCN thay thế thuốc chữa bệnh.
Bệnh nhân sẽ không mất vì sử dụng TPCN nhưng mất vì quá tin TPCN mà bỏ qua các bước điều trị tiêu chuẩn khác. Thiết nghĩ người tiêu dùng Việt Nam nên tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn TPCN sử dụng cho mục đích gì, uống trong trường hợp nào, nguồn xuất xứ từ đâu, … và nên hỏi ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe để tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
Xin cám ơn những chia sẻ rất hữu ích từ anh!