Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, và thi cử cũng không ngoại lệ. Từ năm 2027, VN sẽ thí điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đây không chỉ đơn giản là trang bị máy móc, mà còn là quá trình phức tạp, liên quan đến công nghệ, tổ chức, tâm lý xã hội và đặc biệt là sự công bằng cũng như niềm tin của toàn xã hội vào kỳ thi.
KHÔNG PHẢI CỨ CÓ THIẾT BỊ LÀ TỔ CHỨC KỲ THI TRÊN MÁY TÍNH
Một hiểu lầm thường gặp là chỉ cần đủ máy tính và phần mềm là có thể tổ chức kỳ thi trực tuyến. Trên thực tế, thiết bị chỉ là điều kiện ban đầu. Thành công của một kỳ thi số phụ thuộc vào khả năng vận hành hệ thống, xử lý sự cố nhanh chóng, đảm bảo đường truyền ổn định, kiểm soát dữ liệu và đặc biệt là chuẩn bị kỹ càng về nhân lực.

VN đã triển khai thực hiện nhiều kỳ thi trên máy tính. Đây sẽ là những kinh nghiệm cần thiết để thực hiện kế hoạch thi tốt nghiệp THPT trên máy tính
ẢNH: THÙY DƯƠNG
Tại Kenya, kỳ thi tuyển sinh lớp 9 từng gây tranh cãi khi học sinh (HS) nông thôn phải dùng điện thoại mượn của người lớn để thi, còn HS thành phố lại thi trên máy tính trong phòng lab. Điều này dẫn đến sự chênh lệch không chỉ về kết quả mà còn làm xói mòn niềm tin vào sự công bằng của kỳ thi.
Ngay cả ở Mỹ, bang Indiana từng gặp sự cố hệ thống khiến hàng ngàn HS bị gián đoạn trong lúc thi. Điều này cho thấy phần mềm hiện đại thôi là chưa đủ, mà còn cần đội ngũ kỹ thuật phản ứng nhanh, có cơ chế hỗ trợ khẩn cấp và dự phòng hiệu quả.
Với VN, điều quan trọng là đầu tư thiết bị, bên cạnh đó là xây dựng hệ sinh thái thi toàn diện, an toàn và ổn định, từ phần mềm đến con người.
Thi trên máy tính không chỉ đặt ra bài toán về hạ tầng mà còn cả kỹ năng và tâm lý của thí sinh. Nhiều HS, nhất là vùng nông thôn, không có điều kiện tiếp xúc sớm với máy tính, chưa quen gõ văn bản, thao tác chuột hay xử lý phần mềm, dẫn đến thiệt thòi so với bạn cùng lứa ở thành thị.
Tại Pháp, khi thí điểm kỳ thi tú tài điện tử, HS nông thôn lúng túng với những thao tác như lưu bài, sửa lỗi chính tả. Trong khi đó, HS thành phố vốn sử dụng máy tính thành thạo đã làm bài nhanh và hiệu quả hơn, dù năng lực học tập chưa chắc vượt trội. Sự chênh lệch này không xuất phát từ kiến thức mà do điều kiện tiếp cận công nghệ.
Ở Ấn Độ, việc đề thi bị lộ trên mạng xã hội giữa các ca thi gây tranh cãi lớn. Điều này cho thấy nếu không tổ chức thi đồng loạt hoặc không có hệ thống sinh đề ngẫu nhiên, sẽ rất khó đảm bảo công bằng.
Tại VN, muốn thi trên máy thành công, phải chuẩn hóa kỹ năng số từ cấp THCS và đầu tư hạ tầng đồng đều. Đồng thời, cần có phương án tổ chức thi một ca hoặc sinh đề linh hoạt, đảm bảo tương đương về độ khó để tạo sân chơi công bằng cho mọi HS.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng thực hiện trên máy tính
ảnh: Hà Ánh
BẢO MẬT VÀ GIAN LẬN: NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG
Thi trên máy tính mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro về bảo mật và gian lận. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức gian lận ngày càng tinh vi: từ tai nghe siêu nhỏ, phần mềm giả lập màn hình, đến trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ làm bài theo thời gian thực, thậm chí cả các cuộc tấn công mạng có chủ đích.
Tại Nigeria, một kỳ thi tuyển công chức buộc phải hủy bỏ vì hệ thống bị tấn công, khiến hàng ngàn thí sinh không thể đăng nhập. Ở Philippines, thí sinh dùng phần mềm chia sẻ màn hình để nhận trợ giúp trong kỳ thi chứng chỉ sư phạm. Những sự cố này cho thấy thi trực tuyến không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là thách thức về an ninh.
Một số nước như Anh, Mỹ đã áp dụng giám sát bằng webcam và AI để đảm bảo tính trung thực, nhưng cũng vấp phải lo ngại về quyền riêng tư từ phụ huynh và HS.
Tại VN, thi trên máy tính với quy mô lớn vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành quy định cụ thể về bảo mật, giám sát, xử lý sự cố và công khai quy trình tổ chức để tạo niềm tin xã hội.
CẦN CHO HS LÀM QUEN TỪ SỚM
VN không lạ lẫm với hình thức thi trên máy. Các kỳ thi tin học, tiếng Anh quốc tế, các bài kiểm tra năng lực nghề nghiệp, chứng chỉ nghề… đã sử dụng máy tính từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hay kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã triển khai trên máy tính nhiều năm nay. Năm 2025, VN cũng hoàn thành kỳ thi PISA cho hơn 7.000 HS bằng phần mềm quốc tế. Đây là nền tảng quý báu để tiến dần tới số hóa kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít HS, dù học giỏi vẫn lúng túng và lo lắng khi thi trên máy tính. Nhiều em sợ bị lỗi phần mềm, mất kết nối, hay đơn giản là không quen với cảm giác làm bài qua màn hình.
Ngay cả tại Singapore (quốc gia có nền giáo dục số hàng đầu) nhiều HS cũng phản ánh không thoải mái khi viết luận dài trên máy tính. Một số em cho biết việc lo lắng máy bị treo khiến tâm lý căng thẳng hơn thi giấy.
Do đó, giải pháp là cho HS làm quen dần từ sớm. Có thể tổ chức các bài kiểm tra nhỏ, thi thử trên máy từ lớp 10 - 11. Việc tạo điều kiện để HS quen giao diện, thao tác sẽ giúp giảm áp lực và phản ánh đúng năng lực thật. Cần chuẩn hóa kỹ năng số từ sớm cho HS, từ THCS các em nên được học kỹ năng máy tính như gõ văn bản, xử lý trắc nghiệm trên phần mềm.
Để thi trên máy tính thành công, VN cần tránh tâm lý chạy theo công nghệ. Đó không chỉ là thay đổi kỹ thuật, mà là cả một hệ tư duy mới, cần sự phối hợp của nhiều bên và đặt người học làm trung tâm. Một số nguyên tắc quan trọng cần lưu ý:
Thí điểm có chọn lọc. Bắt đầu ở nơi có hạ tầng tốt, rồi mở rộng từng bước; đánh giá hiệu quả độc lập, minh bạch. Không nên trải rộng mà tập trung xây dựng các trung tâm thi hiện đại, có thể dùng chung cho nhiều kỳ thi.
Cần xây dựng ngân hàng đề thi mạnh, đa dạng, tổ chức thi đồng loạt trên cả nước để hạn chế rò rỉ. Ngoài ra, cũng cần giải thích cho HS, giáo viên, phụ huynh hiểu rõ lợi ích và rủi ro thi trên máy tính, đồng thời hướng dẫn để thích nghi.
Thi trên máy tính không nên chỉ phục vụ sự thuận tiện cho người tổ chức, hay vì mục tiêu hiện đại hóa giáo dục trên giấy tờ. Mọi thay đổi chỉ có ý nghĩa nếu giúp HS thể hiện đúng năng lực, đảm bảo công bằng và giảm áp lực thi cử.
Từ quy chế thi, phần mềm, cách giám sát đến phân tích kết quả…, tất cả phải xoay quanh nhu cầu, điều kiện và tâm lý của HS. Nếu không đặt người học vào trung tâm, cải cách sẽ dễ đổ vỡ.
VN đang đứng trước cơ hội lịch sử. Nếu làm đúng và bài bản, thi trên máy tính sẽ mở ra kỷ nguyên mới trong đánh giá và phân tích giáo dục. Nhưng nếu vội vàng, thiếu chuẩn bị và minh bạch thì dễ dẫn đến nhiều rủi ro, gây mất niềm tin.
Không phải môn nào cũng phù hợp thi trên máy
Một thực tế cần nhìn thẳng là không phải môn học nào cũng phù hợp để số hóa hoàn toàn. Các môn tự luận dài như ngữ văn, hay các môn cần trình bày hình vẽ, công thức vẫn gặp nhiều khó khăn nếu thi hoàn toàn trên máy.
Tại nhiều nước như Đức, Phần Lan, Nhật Bản, chỉ một số môn trắc nghiệm như toán, ngoại ngữ, lịch sử được thi trên máy. Các môn sáng tạo, tự luận vẫn tổ chức thi giấy hoặc thi vấn đáp.
Vì vậy, thi trên máy nên bắt đầu với các môn có tính trắc nghiệm cao, dễ giám sát và chấm điểm, sau đó mở rộng từng bước dựa vào đánh giá thực tiễn.