Chương trình Kính đa chiều chủ đề Thơ hiện đại với sự tham gia bàn luận của host Lê Hoàng, nhà thơ Phong Việt và MC Phương Uyên vừa được lên sóng tối 23/2 và 26/2 trên VTV9.
Thơ hiện đại ra đời và tồn tại được một khoảng thời gian dài, thế nhưng chưa ai định hình được thơ hiện đại là gì và thơ hiện đại vẫn đang gây khá nhiều tranh cãi. Việc giải phóng thơ hiện đại khỏi những ràng buộc niêm luật của thơ truyền thống có thể coi là ưu điểm và tạo điều kiện sáng tạo không giới hạn, đa dạng trong nghệ thuật viết thơ. Sự đa dạng này không chỉ xuất hiện trong cách ngôn ngữ được sử dụng, mà còn trong cách những ý tưởng và cảm xúc được thể hiện. Tuy nhiên, sự tự do ấy cũng mang theo nhiều thách thức đối với các nhà thơ hiện đại.
Nhà thơ Phong Việt cho rằng những nhà thơ hiện đại cảm thấy bị lặp lại những gì mà bậc tiền bối đi trước đã làm khi tiếp tục sử dụng những dạng thơ theo kiểu truyền thống. “Mọi người nghĩ rằng nếu chứ chăm chăm đi theo dạng thơ truyền thống là bị bó buộc vào những niêm luật và họ làm thơ hiện đại vì muốn được tự do. Thực tế, các nhà thơ bây giờ hiểu sai cái gọi là hiện đại, chỉ tập trung chú trọng quá nhiều về hình thức mà quên đi cảm xúc mới chính là thứ chạm vào khán giả. Hình thức đã xa lạ với công chúng, mà cảm xúc cũng không chạm đến số đông thì dẫn đến chuyện sản phẩm không ai chấp nhận”, nhà thơ Phong Việt bày tỏ.
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng thơ có chiều dài lịch sử từ nhiều ngàn năm, gấp rất nhiều lần lịch sử của các thể loại văn hóa khác. Thế nhưng các nhà thơ hiện nay không nhìn vào chiều sâu mà lại khá vội vàng khi phủ nhận những truyền thống ấy. “Những niêm luật về văn hóa xuất hiện và tồn tại đều dựa trên tâm hồn của con người khi tiếp xúc, dễ tiếp nhận mới tồn tại được. Đó là một quá trình đúc kết không hề đơn giản”, Lê Hoàng quả quyết.
Nhà thơ Phong Việt cho rằng các nhà thơ hiện nay bị sự truyền thống làm cho hiểu sai đi công việc sáng tạo. Từ việc quá phụ thuộc vào hình thức truyền tải, làm sao để tạo ra một hình thức mới với thơ mà quên đi cảm xúc. “Phương tiện không đúng, cảm xúc không truyền tải được khiến cho thơ ca trở nên bé nhỏ, ít ỏi và cô độc trong các loại hình nghệ thuật”, Phong Việt nhận định.
Đạo diễn Lê Hoàng cảm thấy chính sự mặc kệ, thờ ơ và xem thơ ca không làm hại đến ai, không ảnh hưởng tới nhiều thứ của khán giả là một suy nghĩ vô tình khiến các nhà thơ nghĩ rằng đó là đặc quyền của họ. “Quyền của mình là quyền làm thơ dở. Phim dở nhưng tôi mua vé, tôi có quyền chửi, còn thơ dở thì kệ ông”, Lê Hoàng nói.
Đứng ở góc nhìn của người làm thơ hiện đại, nhà thơ Phong Việt cảm thấy may mắn khi anh dung hòa được hai yếu tố giữa hiện đại và truyền thống. “Trong cái tự do mà tôi đang làm nó vẫn có khuôn khổ về mặt truyền thống. Đó là điều cho làm thơ của tôi không quá xa rời truyền thống nhưng cũng không hiện đại hoàn toàn. Đây cũng là một trong lí do mà khán giả chịu bỏ tiền ra mua tập thơ của tôi trong thời gian qua”, Phong Việt đánh giá.
Nhà thơ Phong Việt cũng chia sẻ thêm dù thực tế mông lung, hỗn loạn nhưng không thể phủ nhận, thơ hiện đại vẫn có những điểm sáng nhất định khi có một số bài thơ được phổ nhạc và trở nên vô cùng nổi tiếng có thể kể đến như Hoa nở không màu (lấy cảm hứng từ bài thơ Tựa lưng vào tường và khóc của Phong Việt), Cả một trời thương nhớ (lấy cảm hứng của Nguyễn Minh Cường), Xin lỗi (được Hồ Tiến Đạt phổ từ thơ của Nguyễn Thiên Ân),…
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Nghệ sĩ tựu làm mới mình với sự tham gia của host Minh Đức, MC Minh Ngọc và NSƯT Vân Khánh sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 27-28/2 trên kênh VTV9.