Tình trạng "thừa nam, thiếu nữ" ở Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh, lan rộng. Dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu đàn ông Việt Nam có nguy cơ không có vợ vào năm 2023.
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) mới đây đã có chia sẻ về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Theo đó, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng cho biết tình trạng này tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng. Hiện tại, 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước đều xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt tại đồng bằng sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc càng diễn ra rõ rệt.
Theo ông Hoàng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam: Nguyên nhân đầu tiên chính là tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một số gia đình; một nguyên nhân khác nổi lên gần đây là nhiều gia đình lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi.
Ngay từ những năm 2000, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức ở Việt Nam. Đặc biệt rõ rệt từ năm 2006, tỷ số này tăng lên 109 bé trai/100 bé gái.
Theo số liệu mới nhất vào năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta là 112,1 bé trai/100 bé gái. Với tỷ lệ này, Việt Nam dự kiến dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu người vào 25 năm sau đó.
Hiện tượng mất cân bằng giới tính có thể gây tác động tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Chưa kể, việc nam giới bị dư thừa có thể dẫn đến những khó khăn khi tìm kiếm bạn đời, trì hoãn hôn nhân. "Dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ giới sẽ khiến nhiều đàn ông phải sống độc thân", ông Hoàng chia sẻ.
Theo mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam sẽ đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là dưới 109. Tổng cục Dân số nhận định mục tiêu này rất khó khăn, mỗi năm phải giảm 0,4 điểm phần trăm.
Ảnh: Tổng hợp