Sau nhiều ngày công chiếu, Quật Mộ Trùng Ma đang tạo nên “cơn sốt” cho phòng vé phim Việt nửa đầu năm 2024 bằng câu chuyện về lời nguyền của ngôi mộ cổ.
Bộ phim Quật Mộ Trùng Ma của đạo diễn Jang Jae Hyun đang khởi chiếu khắp các cụm rạp ở Việt Nam thuộc thể loại kinh dị, tâm lý và có một chút yếu tố trinh thám.
Nội dung chính của phim xoay quanh nhóm 4 người bao gồm pháp sư Hwa Rim (Kim Go Eun), pháp sư Bong Gil (Lee Do Hyun), thầy phong thủy Kim Sang Deok (Choi Min Sik) và chuyên gia tang lễ Yong Geun (Yoo Hae Jin) được ông Park Ji Yong - con trai trưởng trong một gia tộc họ giàu có mời về để cứu con trai nhỏ nhất của ông khỏi nguy hiểm.
Sau đó, 4 người Hwa Rim, Bong Gil, Yong Geun và Sang Deok đã tìm đến ngôi mộ ở vùng núi hẻo lánh gần biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên có niên đại hàng trăm năm. Trong quá trình đưa linh cữu lên, hồn ma của ông nội nhà họ Park đã được giải thoát và tấn công người trong gia đình.
Những tưởng sau khi đã xử lý xong hồn ma của ông nội Park thì mọi việc kết thúc, thế nhưng những bí ẩn xoay quanh câu chuyện rùng rợn từ hàng trăm năm trước mới bắt đầu được vén màn.
Vì sao Quật Mộ Trùng Ma tạo nên “cơn sốt”?
Thuộc thể loại kinh dị, mang nặng yếu tố tâm linh nhưng Quật Mộ Trùng Ma không bị đi theo lối mòn của những tác phẩm thành công với đề tài này trước đó. Yếu tố giúp Quật Mộ Trùng Ma thu hút lượng lớn khán giả hiếu kỳ, quan tâm nằm ở chi tiết trừ tà (exorcism). Đối với fan của thể loại phim kinh dị, hẳn mọi người không còn xa lạ với exorcism trong các bộ phim ma ám phương Tây.
Đạo diễn Jang Jae Hyun đã khéo léo lồng ghép yếu tố văn hóa tâm linh bí ẩn của người phương Đông để khiến câu chuyện “trừ tà” trở nên gần gũi và kỳ dị hơn. Những thước phim khai quật mộ cổ, thầy pháp làm lễ trừ tà, những bí ẩn trong các thuyết tâm linh từ nhiều thế kỷ trước khiến người xem không thể rời mắt.
Một điểm cộng của Quật Mộ Trùng Ma là không lạm dụng hiệu ứng jumpscare (hù dọa bằng âm thanh) mà khai thác sâu vào yếu tố tín ngưỡng, câu chuyện tâm linh trong văn hóa dân gian.
Giải đáp 12 câu hỏi liên quan đến tình tiết Quật Mộ Trùng Ma
1. Vì sao ông nội nhà họ Park muốn tiêu diệt con cháu của mình?
Một trong những chi tiết đầu phim xoay quanh bí ẩn về gia tộc họ Park. Hẳn ai cũng bất ngờ vì sao ông nội Park lại muốn hại chết con cháu của mình? Nguyên nhân xuất phát từ việc ông nội Park là một người “bán ” nước, từng thề sẽ trung thành với Nhật Bản. Chính vì vậy hậu duệ nhà họ Park cảm thấy xấu hổ nên không thắp hương hay cúng tế vật phẩm cho ông.
Suốt 100 năm qua, ông nội Park chịu cảnh đói khát vì không được con cháu tưởng nhớ, cúng bái nên trong lòng sinh ra oán hận và muốn trả thù con cháu của mình. Ngoài ra, việc ông nội Park ra tay với hậu duệ trong gia tộc còn mang ý nghĩa hàm súc là tổ tiên gây ra lỗi lầm thì đến đời con cháu sau này cũng không thể sống bình yên.
2. Vì sao ông nội Park lại buông tha cho bà cô?
Thực tế, ông nội Park không phải bỏ qua cho người cô trong nhà mà theo quan niệm của các nước Á Đông, cháu đích tôn là người nhận nhiệm vụ hương hỏa, thờ cúng tổ tiên. Chính vì vậy khi cháu đích tôn không thực hiện đúng nghĩa vụ, ông nội Park đã trực tiếp tìm đến để trả đũa. Lúc ông đang tấn công đứa trẻ sơ sinh thì bị ngăn lại nên chưa kịp ra tay với những người khác.
3. Biểu tượng “con cáo cắn đứt eo con hổ” là gì?
Trên bản đồ, hình dạng của 2 miền Triều Tiên được ví như một con hổ đang bám vào lục địa rộng lớn. Vị trí mà người Nhật đóng chiếc cọc sắt để trấn yểm nằm ngay vị trí “eo hổ”và gần ranh giới Hàn Quốc - Triều Tiên. Ngược lại, hình tượng con cáo được xem là linh vật trong Thần Đạo và Phật Giáo ở Nhật Bản. Ý nghĩa đằng sau câu nói “con cáo cắn đứt eo con hổ” là ám chỉ Nhật Bản đã đóng cọc chia tách 2 miền Triều Tiên.
4. Con quỷ Nhật Bản trong Quật Mộ Trùng Ma là ai?
Nhiều ý kiến cho rằng, dựa trên tạo hình và lời thoại, con quỷ Nhật Bản đến từ thời Shogun. Một số netizen còn mạnh dạn suy đoán đây là một tên lính Nhật đã chết trong trận Sekigahara. Trận chiến Sekigahara trong lịch sử diễn ra giữa Tokugawa Ieyasu và Ishida Mitsunari (thuộc hạ của Toyotomi Hideyoshi) để tìm ra người thống trị nước Nhật.
Khả năng cao con quỷ Nhật Bản chính là người của phe Ishida Mitsunari. Sau khi bị chặt đầu, người này đã được các thầy pháp làm lễ để đưa thanh kiếm nung nóng vào trong cơ thể và chôn đứng xuống đất như một cái cọc sắt. Từ năm 1910-1945, Nhật Bản đô độ Triều Tiên thì “cọc sắt” này mới được chôn xuống để trấn yểm.
5. Gisune là ai và có âm mưu gì?
Gisune là cách đọc lái lại của từ “Kitsune” có nghĩa là con hồ ly trong tiếng Nhật. Gisune xuất hiện trong câu chuyện của 3 chị em pháp sư khi sư phụ của họ đã từng chạm mặt người này. Quyền năng của Gisune được nhận định là “vượt qua khả năng của con người” và có thể là “yêu tinh thật sự”. Như vậy, Gisune có thể là một con hồ ly tinh sống dưới thời Shogun.
Gisune âm mưu chôn “cọc sắt” là vị tướng người Nhật xuống mảnh đất ranh giới Triều Tiên - Hàn Quốc. Người này đã nói dối gia tộc họ Park rằng đây là vùng đất có phong thủy tốt để mượn linh cữu của ông nội Park nhằm che giấu sự thật rùng rợn bên dưới. Khi nhóm đào mộ trong quá khứ tìm đến đây, dù khai quật lên thì họ cũng chỉ thấy phần mộ của ông nội Park chứ không biết ở phía dưới còn có một chiếc quan tài khác.
6. Vì sao lại là máu ngựa và rắn đầu người?
Nhiều bộ phim có yếu tố trừ tà của Hàn Quốc đều cho rằng máu ngựa là một loại “nước thánh ” có khả năng đuổi yêu bắt ma. Còn hình tượng rắn đầu người là một con yêu quái tên Nure -onna trong văn hóa Nhật Bản, có liên quan đến con quỷ Nhật Bản.
7. Vì sao Bong Gil và Sang Deok không bị giết?
Nhiều suy đoán cho rằng con quỷ Nhật chỉ có thể hoạt động từ lúc nửa đêm đến khi gà gáy. Chính vì vậy lúc nó đang tấn công Hwa Rim, nghe thấy tiếng gà gáy nên đã dừng tay. Ngoài ra, con quỷ không tấn công trong phạm vi nhà chùa, có thể là do lúc sinh thời, vị tướng người Nhật này từng theo đạo Phật. Chi tiết thuộc lòng kinh Phật từ 500 năm trước càng chứng thực điều này.
Bong Gil cũng không bị tiêu diệt mà chỉ bị biến thành thuộc hạ. Trên người Sang Deok có kinh Phật cũng không bị con quỷ sát hại như những người khác.
8. Thầy phong thủy Sang Deok tiêu diệt con quỷ Nhật bằng cách nào?
Nắm được quy luật của Ngũ Hành, thầy phong thủy Sang Deok đã sử dụng hệ thống Kim khắc Mộc, Thủy khắc Hỏa để tiêu diệt con quỷ. Trong đó, con quỷ được xem là một thanh gươm mang hệ Kim, được nung nóng bằng lửa mang hệ Hỏa, như vậy nó sẽ tương khắc với gậy gỗ mang hệ Mộc được tẩm qua máu mang hệ Thủy. Nhờ vậy, Sang Deok dùng thanh gỗ bị nhuốm máu đã tiêu diệt được con quỷ.
9. Vì sao con quỷ lại muốn ăn gan?
Liên quan đến tín ngưỡng dân gian, những con hồ ly tu luyện lâu năm đều có sở thích ăn gan người sống. Đây là một chi tiết ẩn ý nhằm gợi lên sự liên quan giữa con quỷ với Gisune - người được cho là yêu tinh hồ ly biến thành.
10. Vì sao con quỷ không trực tiếp vào nhà mà phải dụ chủ nhà mở cửa?
Theo quan niệm trong văn hóa Á Đông, mỗi căn nhà đều có những vị thần trông coi, những thứ không thuộc về người sống hoặc không được chủ nhà chào đón đều sẽ bị ngăn cản bên ngoài. Chi tiết này cũng liên quan đến việc người phương Đông mỗi khi cúng bái tổ tiên đều khai rõ tên họ, như vậy tổ tiên mới có thể vào trong nhà.
11. Hình tượng ngôi chùa trong Quật Mộ Trùng Ma
Một chi tiết quan trọng mà nhiều người dễ dàng bỏ qua là trụ trì của ngôi chùa trong phim từng xuất hiện trong bức ảnh của nhóm đào mộ thời quá khứ. Trong quá trình khai quật mộ, họ không tìm được cây cọc sắt trấn yểm nên chỉ có thể xây một ngôi chùa ở gần đó để trông coi. Trong ngôi chùa cũng chứa rất nhiều dụng cụ đào bới càng khẳng định luận điểm này.
12. Vì sao con gà lại xuất hiện?
Sau khi bị con quỷ tấn công, Bong Gil không bị nó sát hại mà chỉ bị biến thành thuộc hạ là nhờ kinh Phật trên người. Sau khi con quỷ chiếm lấy thân xác của Bong Gil, nếu con quỷ bị tiêu diệt thì rất có thể Bong Gil cũng không thể toàn thây. Chính vì vậy con gà xuất hiện được cho là “vật chủ” dùng để thế mạng lúc nguy cấp.