Bạn có biết vì sao phích cắm điện dẹt lại có 2 lỗ tròn hay không?
Tất cả các sản phẩm nào khi đến tay người tiêu dùng đều được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo sự tiện lợi trong quá trình sử dụng.
Bạn có bao giờ để ý chiếc phích cắm điện dẹt và thấy có 2 cái lỗ tròn ở phần chấu cắm bằng kim loại, vậy mục đích của 2 cái lỗ tròn này là gì?
Vì sao phích cắm điện dẹt có hai lỗ tròn?
Tác dụng đầy tiên của hai lỗ tròn là để phích cắm được cố định, chắc chắn hơn. Bên trong ổ điện chuẩn đều có thiết kế một phần nhô lên cao, khớp vừa vặn vào lỗ tròn, nó như một chiếc móc giữ cho ổ cắm chắc chắn hơn. Từ đó nguồn điện cũng được ổn định.
Lỗ tròn này còn có để đảm bảo an toàn, có tác dụng ngăn chặn trẻ em va chạm với ổ điện và gặp nguy hiểm. Có nhiều loại ổ cắm không có lỗ, khi cắm bị lỏng lẻo, hở chân cắm điện, điều này gây nguy hiểm nếu nhà có trẻ con.
Ngày trước, người ta thiết kế vết lõm dập trên chân ổ cắm. Tuy nhiên, thiết kế này gây ma sát khi cắm phích vào ổ và gây chập tia lửa điện trong quá trình sử dụng. Ngược lại, việc dùng chân cắm lỗ đục sẽ giúp giảm thiểu ma sát khi mới cắm, ít khi gây chập, an toàn hơn cho người dùng.
Ngoài ra hiện nay nhà sản xuất còn tận dụng 2 lỗ ở chân phích cắm để gắn tem mác niêm phong, người tiêu dùng có thể phân biệt được hàng giả và hàng thật.
Đồng thời, hai lỗ tròn này giúp nhà sản xuất tiết kiệm được một lượng thép đáng kể, chúng ta tưởng rằng ít nhưng không hề ít chút nào, nhất là trong dây chuyền sản xuất số lượng lớn.
Nhiều người thắc mắc các lỗ này do ai sáng tạo. Các lỗ trên ngạnh phích cắm diện dẹt là sáng tạo của Harvey Hubbell Jr., Mới đầu, ông thêm những vết lõm nhỏ bên trong chân phích cắm; chúng sẽ tiếp xúc với những chỗ lồi lõm bên trong ổ cắm. Sau nhiều cải tiến, cuối cùng các vết lõm được thay thế bằng các lỗ, mặc dù ý tưởng cơ bản vẫn giữ nguyên.
Về cơ bản hiện nay, chỉ có hai loại phích cắm điện chân dẹt sử dụng lỗ đục trên chân đó là Phích cắm Type-A với hai chân dẹt; phích cắm Type-B với chân dẹt và một chân tròn nối đất chống giật. Các loại này rất phổ biến ở Mỹ, Canada, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Tiêu chuẩn này còn được gọi là tiêu chuẩn NEMA.
Còn tại một số quốc gia ở châu Âu và châu Á khác, phích cắm chân tròn vẫn phổ biến hơn và loại phích cắm này không cần thiết phải có lỗ đục, vì thiết kế chân tròn và ổ tròn tạo được độ bám tốt hơn.