Tại sao chữ viết của bác sĩ thường khó đọc và liệu điều này có thể dẫn đến việc người lấy thuốc hiểu sai và lấy nhầm thuốc không?
Nếu ai đã từng đi khám chữa bệnh cũng ít nhất một lần gặp đơn thuốc được kê đơn bởi bác sĩ. Thế nhưng, điều ám ảnh với một số người không phải là số lượng thuốc phải uống, mà chính là những con chữ ngoằn ngoèo không thể đọc được của người kê đơn.
Nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lo lắng liệu với chữ viết xấu như vậy, người lấy thuốc có dịch được chính xác không, có lấy nhầm thuốc không? Liên quan đến sự việc trên, không ít câu hỏi được đặt ra "Vì sao chữ bác sĩ lại xấu? Bận rộn thật hay là cố tình tạo nét?
Dựa trên khảo sát các sinh viên đang theo học tại các trường Y dược trên toàn quốc, sau khi tổng hợp các ý kiến, chúng ta đã xác định được 3 nguyên nhân giải thích cho vấn đề này như sau:
Không có thời gian nắn nót
Đầu tiên họ giải thích rằng để ghi kịp những lời giảng vàng ngọc quý báu của thầy cô giáo - những bác sĩ lão luyện trong nghề thì họ phải thực hiện viết tốc ký, không thể ngồi nắn nót từng chữ được. Hơn nữa, từ khi còn bé chữ viết của mỗi người là khác nhau có người đẹp, có người xấu mà lại kèm theo hình thức tốc ký nữa sau khi qua khoảng 5-7 năm học trường Y thì chữ viết cũng không thể sạch đẹp, rõ ràng được nữa.
Bệnh nhân quá đông
Bệnh viện quá tải cũng là một trong những nguyên nhân đáng nói ảnh hưởng đến vấn đề chữ xấu hay đẹp của các bác sĩ. Khi nhu cầu người dân đến khám chữa bệnh ngày một tăng cao mà số lượng bác sĩ không đáp ứng đủ phải làm việc thêm giờ cùng nhiều áp lực khác nhau buộc các bác sĩ phải làm việc với tốc độ nhanh.
Số lượng bệnh nhân rất đông mà thời gian cho mỗi người bệnh lại có hạng. Điều này càng đòi hỏi bác sĩ phải ghi nhanh hơn nữa để kịp thời gian. Vì vậy, việc viết chữ xấu là điều không thể tránh khỏi.
Phải đi viết, đứng viết
Tiếp theo lại là cái khó nữa của những sinh viên ngành y trong vấn đề không thể giữ “ vở sạch chữ đẹp” đó là khi học môn lâm sàng họ thường phải đứng viết hoặc đi viết kèm theo tốc ký. Thế này thì lấy đâu ra thời gian mà nắn nót chứ, chỉ cố gắng ghi chép đầy đủ những bài giảng của thầy cô để có cái mà ôn thi là tốt lắm rồi.
Những giải đáp trên đây về việc chữ bác sĩ thường xấu của các sinh viên trường Y giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về công việc của họ. Tuy nhiên, để chứng minh rõ hơn, chúng ta hãy cùng lắng nghe giải đáp từ một người trong ngành.
Theo đó ngoài những lý do đã nêu, các chuyên gia trong lĩnh vực y học còn đưa ra một lý giải đáng ngạc nhiên khác: viết chữ xấu được coi như một “luật ngầm” giúp bác sĩ hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn. Khi bệnh nhân nhận đơn thuốc, họ sẽ mang đến các quầy thuốc lân cận để lấy thuốc. Nếu có bất kỳ điều gì không rõ, các dược sĩ có thể liên hệ với bác sĩ để xác minh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bác sĩ viết chữ xấu đơn giản vì sự cẩu thả và thiếu cẩn thận trong công việc.
Hay cũng có một số ý kiến hài hước cho rằng do những tên thuốc cũng như dược liệu, hóa chất quá nhiều và quá loằn ngoằng, dài khó nhớ, nhiều khi bác sĩ không thể nhớ hết nên chỉ nhớ được đặt điểm nhận dạng là phần đầu tên thuốc, phần còn lại thì ghi loằn ngoằng để trình dược viên tự hiểu mà bốc. Hiện trạng “bác sĩ viết chữ quá xấu” là có thật, nên hiện nay phần lớn bệnh viện đã cho kê toa thuốc bằng cách đánh máy và in ra giấy.