Gia tộc số 1 Sài Gòn xưa, đứng đầu trong tứ đại phú hộ lẫy lừng, tài sản kếch xù cho cháu ngoại là Nam Phương hoàng hậu 20.000 lượng vàng khi cưới vua Bảo Đại.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ở Sài Gòn không ai là không biết đến câu ví von: "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường , tứ Hỏa”. Đó chính là tứ đại phú hào giàu có nhất Sài Gòn nói riêng và lục tỉnh Nam Kỳ nói chung. Đứng đầu trong tứ đại phú hào giàu nhất Sài Gòn xưa là "Nhất Sỹ" tức ông Huyện Sỹ và cũng là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu - vợ của vua Bảo Đại.
Ông Lê Phát Đạt (1841-1900) tên khai sinh là Lê Nhứt Sỹ (nên sau này được gọi là Huyện Sỹ) nhưng sau này đi học do trùng tên với thầy giáo nên mới đổi tên như vậy. Ông vốn sinh ra trong một gia đình theo đạo Công giáo tại khu vực Cầu Kho (Sài Gòn) nhưng quê quán ông ở Bình Lập, (Tân An, Long An).
Ông từng có tuổi thơ nghèo khó khi phải đi làm nghề lái đò chở lương thực thuê cho dân làng để lấy tiền phụ giúp gia đình. Về sau, một linh mục người Pháp thương cho gia cảnh của ông nên mới nhận làm con đỡ đầu, nuôi cho ăn học trường dòng ở Sài Gòn rồi tiếp tục gửi sang Penang, Mã Lai cho du học. Vì thế, ông Sỹ rất giỏi ngôn ngữ, ông thông thạo tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Hoa và chữ Quốc ngữ (khi ấy còn rất sơ khai).
Ông Huyện Sỹ là người có đầu óc kinh doanh nhanh nhạy, khi dân bỏ ruộng đi tản tránh thực dân Pháp, ông đã dùng hết tiền để dành để mua vài thửa đất có địa thế tốt để thuê nông dân gieo trồng lúa cho mình. Mùa màng bội thu, ông Sỹ chớp cơ hội vay thêm tiền để mở rộng đất đai canh tác. Với vốn liếng dồi dào sau vài mùa "ăn đậm", ông Sỹ đầu tư sang nhà đất, liên tục xây nhà cho thuê, xây nhà xưởng, nhà máy để sản xuất. Dân chúng khi đó truyền tai nhau rằng ông Huyện Sỹ nắm trong tay hàng ngàn căn nhà.
Theo Vietnamfinance , ở thời kì giàu có bậc nhất, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia để thuê người canh tác. Ở miền Tây, ruộng đất của Lê Phát Đạt được ví như "cò bay mỏi cánh không hết".
Ông Sỹ có người con gái tên Lê Thị Bình, kết hôn với ông Nguyễn Hữu Hào - một đại điền chủ từng du học Pháp - và sinh được hai người con gái: Cô lớn là Agnès, gả cho Nam tước Pierre Didelot và út nữ là cô Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương Hoàng hậu). Khi gả cháu ngoại út cho vua Bảo Đại, gia đình ông Huyện Sỹ đã tặng của hồi môn cho Nam Phương hoàng hậu một triệu đồng tiền mặt, tương đương với 20.000 lượng vàng thời đó. Độ "chịu chi" của nhà đại phú hộ đứng đầu Sài Gòn khiến ai nấy không khỏi ngưỡng mộ. Sau này khi vua Bảo Đại sa cơ, ông cũng nhiều lần viết thư xin tiền vợ vì biết Nam Phương Hoàng hậu có gia đình giàu có hậu thuẫn phía sau.
Là gia tộc giàu số 1 Sài Gòn xưa nhưng người nhà ông Huyện Sỹ sống khá giản dị và kín tiếng. Được biết, trong nhà ông luôn treo câu đối "Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách. Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ". (Tạm dịch: Trong gia đình phải chăm chỉ và tiết kiệm. Xử thế với người ngoài phải hòa hoãn và nhẫn nhịn) để nhắc nhở mọi người sống chăm chỉ, tiết kiệm và luôn cư xử đúng mực. Con cháu nhà ông Huyện Sỹ ai cũng học hành thành tài và trở thành những đại điền chủ giàu có, tinh anh của xã hội.
Trước khi qua đời, ông Huyện Sỹ đã di chúc 1/7 tài sản của mình dành cho việc xây nhà thờ giáo họ Chợ Đũi. Ngày nay, tại Sài Gòn, vẫn còn nhiều công trình gắn liền với gia tộc Huyện Sỹ nổi tiếng xưa kia. Ví dụ như nhà thờ Huyện Sỹ ở góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, quận 1 mỗi ngày đón hàng trăm người đi lễ, tham quan. Ngoài nhà thờ Huyện Sỹ, gia tộc số 1 Sài Gòn xưa còn có công trong việc tu sửa nhà thờ Chí Hoà. Hay sau này kỹ sư Lê Phát Thanh (con ông Huyện Sỹ) cũng xây nhà thờ Hạnh Thông Tây nổi tiếng ở quận Gò Vấp hiện nay.