Việt Nam có hơn 1.000 họ khác nhau nhưng chỉ có số ít các dòng họ hiếm gặp, được xem là con cháu quý tộc của vua chúa thời phong kiến còn tồn tại đến nay.
Văn hóa Việt Nam có từ rất lâu đời và được truyền thừa theo dòng chảy của lịch sử. Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 1.000 những họ người khác nhau với phần đông là những người họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Huỳnh, Võ, Phan, Trương, Bùi... Tại những khu vực miền núi, người ta còn phát hiện những họ lạ như Lò, Lữ, Lường, Quàng, Tòng, Mè...
Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam, người ta cũng tìm được những dòng họ với tên ghép lại theo một quy tắc lâu đời. Những dòng họ này được xem là quý tộc bao gồm con cháu đời sau của vua chúa thời phong kiến. Họ sống trong cái nôi của dòng tộc gắn liền với văn hóa, lịch sử, tìm hiểu nhiều và có trình độ học vấn cao, giữ nhiều chức vị quan trọng trong xã hội.
Dòng họ Tôn Thất
Họ Tôn Thất là danh hiệu đặt cho nam giới là hậu duệ không thuộc nhánh thừa kế là Nguyễn Phúc của Hoàng tộc nhà Nguyễn. Sau chuyển biến giai đoạn lịch sử vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, họ Tôn Thất dần tách khỏi dòng họ Nguyễn và trở thành một nhánh họ độc lập.
Theo ghi chép để lại, ban đầu, họ Tôn Thất do vua Minh Mạng dùng để đặt cho con cháu của các Chúa Nguyễn (vốn là họ Nguyễn Phúc), từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, mỗi Chúa là hệ tổ của một hệ. Có tất cả 9 hệ nhưng có 2 hệ là hệ 4 và hệ 6 không con cái nên không được lưu truyền.
Họ Tôn Thất được xem là họ bà con xa với dòng Đế hệ (họ được làm Hoàng đế). Tuy nhiên, theo quy tắc, nam nữ của 2 dòng đều không được phép kết hôn với nhau dù đã trải qua 6-7 đời.
Trong gia phả Hoàng tộc nhà Nguyễn có viết: "Ngày trước, triều Nguyễn chúng ta là họ Nguyễn Văn. Xem như ngài Trừng quốc công, thân sinh ra Đức Triệu Tổ Tịnh Hoàng đế (Nguyễn Kim), húy là Nguyễn Văn Lưu thì đủ rõ. Đến triều Minh Mạng (1823), lại phân biệt ra Tôn Thất Nguyễn Phúc và Công Tánh Nguyễn Hựu. Tôn Thất Nguyễn Phúc là những người đi theo Đức Nguyễn Hoàng trong lúc Ngài vào trấn thủ ở phương Nam, còn những kẻ ở lại ngoài Bắc đều lấy họ là Công Tánh Nguyễn Hựu. Hiện giờ, người ta chỉ để hoặc Tôn Thất hoặc Nguyễn Hựu mà thôi".
Một số nhân vật trọng yếu của dòng họ Tôn Thất có thể kể đến như Tôn Thất Hiệp, Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Tùng (GS. BS. Việt Nam, tác giả cuốn "Phương pháp cắt gan khô"), Tôn Thất Bách (PGS. BS. Nhà giáo Nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội)...
Dòng họ Tôn Nữ
Bên cạnh dòng họ Tôn Thất, tại Việt Nam còn có một dòng họ hiếm không kém chính là dòng họ Tôn Nữ. Ban đầu, Tôn Nữ là danh hiệu dùng để gọi nữ giới trong dòng tộc Nguyễn Phúc, có liên quan đến các vị Hoàng đế nhà Nguyễn.
Từ đời vua Minh Mạng, con gái của vua gọi là Hoàng nữ, khi được sắc phong sẽ kêu là Công chúa. Nếu sau này Công chúa có anh trai hoặc em trai lên ngôi vua thì người này sẽ được phong là Trưởng Công chúa (để phân biệt với Công chúa - con của vua). Nếu có cháu làm vua (vua gọi người này là cô) thì được gọi là Thái trưởng Công chúa.
Con gái của Hoàng tử là Công nữ, con gái của Công tử là Công Tôn Nữ, con gái của Công Tôn Nữ là Công Tằng Tôn Nữ, xuống một bậc nữa là Công Huyền Tôn Nữ, sau đó là Huyền Tôn Nữ... Từ đó, danh xưng này dùng để gọi con gái trong dòng dõi của vua Nguyễn.
Dòng họ Lý
Họ Lý được xem là một họ lâu đời của Việt Nam. Theo nhiều người cho biết, họ này lần đầu xuất hiện tại nước ta từ thời Hùng Vương. Tuy nhiên, nhân vật này đến nay vẫn còn gây tranh cãi về sự thực hư.
Chính vì vậy hầu như mọi người đều công nhận vị vua họ Lý đầu tiên của Việt Nam là Lý Bí (hay Lý Nam Đế). Ông được xem là một trong những người đầu tiên lập ra một triều đại phong kiến ở Việt Nam.
Tiếp theo triều đại của Lý Nam Đế là nhà Lý do vua Lý Công Uẩn thành lập. Ông là người dời kinh đô nước Việt về Thăng Long.
Ảnh: Tổng hợp