Dâng sao giải hạn là nghi lễ nhiều người thường thực hiện vào dịp đầu năm để cầu bình an cho gia đình, tuy nhiên đây không được coi là một nghi lễ của Phật giáo.
Dâng sao giải hạn là nghi lễ gì?
Cúng sao giải hạn xuất phát từ trong dân gian, một số người Việt tin rằng có 9 sao nên cứ 9 năm các sao lại luân phiên trở lại ứng với người nam, nữ khác nhau, đó là các sao: La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu.
Nhiều người quan niệm rằng năm nào mà người nam gặp phải sao chiếu mạng là La Hầu, nữ là sao Kế Đô thì năm đó là năm xui xẻo. Riêng với sao Thái Bạch thì hao tài tốn của, không giữ được tiền bạc, cuộc sống bị nhiều người quấy phá.
Dâng sao giải hạn thường được thực hiện vào dịp đầu năm, ở các ngôi chùa với sự tham gia của đông đảo mọi người (Ảnh minh họa)
Do vậy, đầu năm một số người Việt vẫn đến chùa, đèn nhờ cúng sao giải hạn hoặc tự cúng ở nhà với mong muốn giải hạn sao xấu, cầu xin thần sao phù hộ cho gia đình, bản thân được mạnh khỏe, bình an, tai qua nạn khỏi và gặp nhiều may mắn.
Tuy nhiên khoa học chưa từng xác nhận sự tồn tại của 9 ngôi sao trên cũng như ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống con người.
Dâng sao giải hạn có phải là nghi lễ Phật giáo?
Việc các chùa nhận tổ chức dâng sao giải hạn tạo ra sự ngộ nhận rằng đây là một nghi lễ của Phật giáo, dựa theo giáo lý của Đức Phật. Sự thật không phải như vậy.
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hà Nội chia sẻ trên báo VTC News, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật.
Dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ trong Phật giáo, để mong cầu bình an thuận lợi cần xuất phát từ tâm mỗi người (Ảnh minh họa)
Dâng sao giải hạn chỉ là động thái tâm lý khiến người nào tin vào đó cảm thấy yên tâm mà thôi. Người đã hiểu chánh đạo, tin vào nhân quả, phước tội và thường sáng suốt biết rõ nhận thức, hành vi của mình thì tự mình điều chỉnh cho đúng, cho tốt chứ không thể dựa vào dâng sao mà giải hạn được.