Đăng ký khai sinh cho trẻ có bắt buộc phải mang họ cha? Khai sinh theo họ mẹ được không?
Trong nếp suy nghĩ nhiều đời nay thì khi một đứa trẻ sinh ra có đủ cha mẹ, cha mẹ có kết hôn thì mặc nhiên sẽ mang họ cha. Điều này hình thành do thói quen hay do quy định của pháp luật là thắc mắc của nhiều người.
Luật pháp có quy định trẻ mang họ cha hay mẹ không?
Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền có họ, tên như sau:
- Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
- Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.
- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
- Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP cũng quy định về họ, chữ đệm và tên của trẻ em khi khai sinh như sau:
“ Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử
Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh…” Và tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.”
Như vậy việc khai sinh con mang họ cha thực chất là tập quán thói quen không phải là bắt buộc theo pháp luật. Cha mẹ hoàn toàn có thể thỏa thuận để đứa trẻ mang họ ai. Tập quán của số đông người Việt là con sinh ra sẽ mang họ cha, điều đó đã ăn sâu vào tâm thức từ nghìn đời nên hình thành nếp như vậy. Khi đã là tập quán thì việc làm khác đi cũng có thể gây ra mâu thuẫn trong gia đình và sự dị nghị của người xung quanh. Do đó cha mẹ cần có sự thống nhất bàn bạc.
Khai sinh con theo họ mẹ như thế nào?
Việc thỏa thuận con mang họ cha hay mẹ là tùy thuộc vào từng gia đình. Thủ tục khai sinh cho con mang theo họ mẹ tương tự như thủ tục khai sinh cho những đứa trẻ mang họ cha thông thường khác.
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, người đi đăng ký khai sinh cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Tờ khai theo mẫu;
- Giấy chứng sinh (nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh).
- Nơi đăng ký Giấy khai sinh: Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cư trú của cha, mẹ (có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú).
- Thời gian cấp Giấy khai sinh: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau nếu nộp hồ sơ sau 15h (khoản 2 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014).
- Về lệ phí cấp Giấy khai sinh: Nếu đăng ký khai sinh trong 60 ngày kể từ ngày sinh con, bạn sẽ được miễn lệ phí. Trường hợp quá thời hạn trên bạn mới đi đăng ký thì bạn sẽ phải nộp lệ phí theo quy định của địa phương nơi bạn cư trú.