Hơn 500 năm trôi qua, ngôi làng chài nằm phía Nam Trung Quốc vẫn còn sự tồn tại của bộ tộc Kinh. Họ nói tiếng Việt, có nhiều nét văn hoá của người Việt.
Vào khoảng thế kỷ thứ 17, một số người Việt sống ở Đồ Sơn, tỉnh Hải Phòng đã di cư sang Tam Đảo (Trung Quốc) để sinh sống. Nghề nghiệp chủ yếu của họ là đánh bắt cá ven bờ. Thời điểm đó, chữ Quốc ngữ vẫn chưa xuất hiện nên chữ viết của họ là chữ Nôm. Ban đầu, Tam Đảo bao gồm 3 thôn là Vạn Vĩ, Mu Đầu và Sơn Tâm với khoảng 100 cư dân sinh sống gồm 12 dòng họ là họ Tô, Đỗ, Hoàng, Nguyễn, Vũ, Cao, Bùi, La, Ngô, Cung, Lương và Khổng .
Trải qua thời gian dài, 3 hòn đảo được bồi đắp tạo thành một dải đất liền với sự xuất hiện của nhiều thôn xóm khác. Hiện nay, khu vực này tập trung nhiều người Kinh sinh sống nhất tại Trung Quốc và vẫn được giữ với tên gọi ngôi làng Tam Đảo. Nơi đây cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam khoảng 25 km, thuộc thành phố Đông Hưng (Trung Quốc). Người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản cùng một số nghề dịch vụ khác.
Hơn 500 năm qua, người Kinh ở ngôi làng này đã lên đến 20.000 người và họ duy trì nhiều tập tục quen thuộc của người Việt như nói tiếng mẹ đẻ, soạn thảo sách giáo khoa bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Đặc biệt, vào những dịp lễ tết, họ cũng tổ chức cúng bái giống người Việt Nam từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp. Con cháu đi tảo mộ ông bà tổ tiên trước khi đón năm mới. Họ giết gà vịt để dự trữ cho những ngày đầu năm nhằm tránh việc sát sinh không may mắn.
Mùng 2 Tết, con gái cưới chồng mang theo gà, bánh chưng, hoa quả trở về thăm nhà mẹ đẻ. Ông bà mừng tuổi lì xì cho các cháu. Ngoài ra, người ở ngôi làng này còn đón một số lễ tết riêng biệt tuỳ theo từng dòng họ. Ngày 9/6 âm lịch hàng năm, người dân sẽ tổ chức tưởng nhớ công ơn che chở, bảo bọc người Kinh tộc bằng những phong tục của mình. Lễ này khá giống lễ ngày 1/6 âm lịch của người dân Trà Cổ, Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).
Người Việt ở khu vực Quảng Tây lưu giữ những sinh hoạt văn hoá cộng đồng như lối hát quan họ giao duyên giống các tỉnh ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Nhạc cụ cổ truyền có thể kể đến như đàn nhị, sáo trúc, trống, cồng, đàn bầu... Họ thường kể cho con cháu nghe về những câu chuyện cổ tích dân gian hay những câu ca dao thành ngữ của người Việt.
Đặc biệt, người dân ở ngôi làng Tam Đảo thích ủ nước mắm từ cá biển và dùng để chế biến thức ăn không khác gì người Việt. Phụ nữ ở Vạn Vĩ yêu thích tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Họ mặc áo dài và đội nón lá vào những ngày trọng đại hay lễ tết của địa phương. Nơi sinh hoạt văn hoá cũng không khác gì những ngôi làng ở Bắc Bộ với hình ảnh quen thuộc của cây đa, mái đình, giếng nước, hoa màu...
Ông Lý Hiển - người trông coi Bảo tàng Dân tộc Kinh ở tỉnh Quảng Tây cho biết: "Trước kia người dân thường gọi chúng tôi là người An Nam, người Việt nhưng giờ đây đã chính thức gọi là người Kinh. Trẻ con vốn giao tiếp sẵn với cha mẹ bằng tiếng Việt nên khi cô giáo dạy, những đứa trẻ tiếp thu rất nhanh". Ông Hiển nói thêm, tiếng Việt được chính quyền cho phép trở thành môn học đưa vào chương trình giảng dạy ở khu vực người Kinh sinh sống.