Nhiều người có thói quen đóng cửa kín mít khi bật điều hòa để giữ hơi lạnh trong phòng, tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, điều này khiến các chuyên gia lo ngại về sức khỏe.
Mùa nắng nóng là thời gian cao điểm của nhu cầu sử dụng những thiết bị làm mát như điều hòa, quạt gió, máy phun sương... Tuy nhiên, làm sao để thiết bị hoạt động đúng cách mà vẫn tiết kiệm điện năng, không gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng là một vấn đề cần được nghiên cứu và tìm hiểu.
Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, nhiều người có thói quen bật điều hòa xuyên suốt và đóng kín cửa phòng lẫn cửa sổ. Mặc dù hành vi này có thể giúp tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, giảm hóa đơn cuối tháng nhưng lại vô tình gây nguy hiểm cho sức khỏe con người một cách âm thầm.
Qua tìm hiểu, thói quen đóng kín cửa phòng khi bật điều hòa không phải điều hiếm thấy đối với người Việt. Nhiều người cho rằng, khi bật điều hòa phải đóng kín mọi cửa nẻo, ngõ ngách để hơi lạnh không thoát ra khỏi phòng, giữ hơi lạnh được lâu thì điều hòa không cần tốn nhiều điện năng để làm mát, từ đó giúp máy đỡ hư hỏng.
Chị H. (Nam Định) - một người sử dụng điều hòa cho biết, nhà chị có 3 phòng ngủ. Mỗi phòng đều được lắp điều hòa loại 9000BTU. Để hạn chế tiêu hao lượng điện, mỗi buổi tối, chị luôn nhắc nhở mọi người phải đóng kín cửa rồi mới bật điều hòa. Chị H. chia sẻ, nếu để cửa hé mở thì hơi lạnh sẽ đi ra ngoài, tản nhanh sẽ khiến máy hoạt động nhiều hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo suy nghĩ này chưa hẳn là tốt. Được biết, theo nguyên lý hoạt động thì bất kỳ căn phòng nào cũng nên được "thở" để trao đổi không khí mới với bên ngoài. Nếu bật điều hòa liên tục và đóng kín cửa thì sẽ dễ khiến căn phòng rơi vào trạng thái ngộp khí, bí bách, gây khó thở cho người bên trong. Điều này vô tình bào mòn sức khỏe của mọi người, nhất là trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam chia sẻ với Dân Trí, quả thực đóng kín cửa bật điều hòa sẽ tiết kiệm điện năng nhưng chỉ nên đóng trong một thời gian ngắn nhất định.
"Quá trình sử dụng điều hòa cần phải lấy gió tươi để trao đổi với không khí trong phòng kín. Đây là gió nóng lấy từ ngoài trời nên máy phải tốn hơi lạnh để làm lạnh nó. Nếu phòng ốc có hệ thống cấp gió tươi (thường thấy ở các tòa nhà công sở, trung tâm thương mại, bệnh viện) thì cần đóng kín các cửa để tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, với nhà dân thì thường không có hệ thống gió tươi này, chủ nhà cần có biện pháp lấy gió tươi bằng cách hé cửa sổ hoặc cửa ra vào. Ngoài ra, các gia đình cũng nên bố trí quạt gắn tường", ông Lợi chia sẻ.
Cách tốt nhất là người dân nên mở điều hòa khoảng 3-4 giờ rồi tắt cho máy nghỉ, lúc đó thông gió phòng rồi cho máy chạy tiếp tục.
Một số lưu ý sử dụng điều hòa tiết kiệm điện và không gây hại cho sức khỏe:
Chọn máy phù hợp với căn phòng: Nên mua máy chính hãng, có thương hiệu nguồn gốc rõ ràng. Lựa chọn máy có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng để tận dụng tốt nhất chức năng, tải đủ lạnh.
Chọn đúng vị trí lắp đặt dàn nóng: Dàn nóng máy lạnh thường được lắp ngoài trời hoặc ở nơi thông thoáng, không bị gió bẩn, không bị nắng nóng, bụi bẩn. Dàn nóng cần được che chắn hợp lý, gần dàn lạnh để dễ bảo dưỡng, sửa chữa.
Bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên: Khi nhận thấy dấu hiệu máy hoạt động kém thì cần kiểm tra, vệ sinh để tránh trường hợp hư hỏng "tiền mất tật mang".
Không nên chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ ngoài trời: Các chuyên gia khuyến cáo nhiệt độ điều hòa thích hợp ở mức 26-28 độ C (ban ngày) và nên tăng lên 29-30 độ C vào ban đêm để không chênh lệch quá nhiều với nhiệt độ ngoài trời, nhằm tránh tiêu hao nhiều điện năng.
Ngoài ra, mọi người có thể kết hợp thêm một số chức năng trên điều khiển điều hòa như chế độ tắt tự động hoặc chế độ Sleep... để tiết kiệm tiền điện.
Ảnh: Tổng hợp