24h
Yeah1 News

4 chị em được gửi đi ở đợ rồi thất lạc,47 năm sau mỗi người một số phận tìm về Bình Định đoàn tụ

Thứ tư, 15/11/2023 | 19:58 (GMT+7)

Nhà nghèo, mẹ mất sớm, 4 chị em cô Lê Thị Tân được cha gửi đi ở đợ mỗi người một nơi. Sau 47 năm xa cách, cô vẫn luôn muốn tìm về với gia đình, nguồn cội của mình.

Vào một buổi tối năm 1976, một cô gái bé nhỏ, nhem nhuốc, tay cầm củ khoai lang đứng trước cửa bà Lê Thị Tám (trú ở Suối Nghệ, Bà Rịa - Vũng Tàu) xin nước uống. Đến chiều, khi đi làm về, bà Tám không khỏi tò mò về đứa bé nên liền hỏi mẹ chồng: “Con ai đấy mẹ?”. Mẹ chồng bà Tám trả lời rằng: “Có đứa trẻ này đi lạc vào đây, mồ hôi nhễ nhại, tao tắm rồi lấy quần áo cho nó mặc. Tao biểu nó ở đây nè, mày có nuôi nổi nó không?”.

Nhìn thấy đứa trẻ chân tay đã hằn lên những vết thương, đùi thâm tím, bà Tám không kìm nén được lòng thương xót và gật đầu đồng ý. Bà nhanh chóng lấy ra hộp thuốc bôi lên những vết thương của bé gái. Gia đình cũng đặt tên cho cô bé đó là Lê Thị Tân. Thời điểm đó, cô Tân còn rất nhỏ, khoảng 5, 6 tuổi. Cô không nhớ rõ quê hương của mình là ở đâu. Với cô, Suối Nghệ chỉ là một điểm dừng ngắn ngủi trên hành trình khó khăn của cuộc đời lưu lạc.

Cô Lê Thị Tân (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)
Cô Lê Thị Tân (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)
Cô được bà Tám và mẹ chồng cưu mang (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)
Cô được bà Tám và mẹ chồng cưu mang (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)

Cô Tân hồi tưởng lại trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” rằng: “Hồi đó nhỏ quá, tôi cũng không nhớ rõ mọi thứ, chỉ biết nhà có 4 chị em, mà chắc chắn là má tôi mất rồi. Ba tôi đi lâu lâu mới về chứ không ở nhà thường xuyên”.

Cô Tân chỉ nhớ rằng, mọi người thường gọi cô là Gái. Trên cô còn có hai chị nữa tên là Bích và Đầm, phía dưới có em út tên là Sang. Sau khi mẹ mất, chị Bích và chị Đầm được cha gửi đi ở đợ, trong khi đó, cô và em trai thì về nhà nội ở. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô Tân cũng bị cha đem bán cho một người họ hàng xa ở Quy Nhơn. Cô nhớ người đón cô là một người phụ nữ tên Chẩm , có 5 người con.

Cô Tân được nhận xét là có ngoại hình khá giống mẹ (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)
Cô Tân được nhận xét là có ngoại hình khá giống mẹ (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)

Bà Chẩm đưa cô lên tàu, trở về Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong 1 năm sống cùng chị họ, cô Tân được giao nhiệm vụ nấu ăn và cho heo ăn. Tuy nhiên, trong 1 lần đi hái rau, vì trời mưa nên cô phải tìm chỗ trú trong rừng rồi bị lạc lúc nào không hay. Đến khi trời tối, cô không thể tìm được đường về nên đành ghé vào nhà của mẹ con bà Tám xin nước rồi ở lại đó.

Một tuần sau, bà Tám đi chợ thì biết được, người nuôi cô Tân trước đây đã đi tìm bé. Sợ đứa bé phải quay lại chỗ cũ rồi gặp chuyện chẳng lành, hai cha con bà Tám bàn bạc với nhau rồi gửi cô Tân đi đến một nơi khác thật xa. Bà Tám đưa cô vào Quảng Ngãi ăn cưới rồi giao cô cho cha mẹ ruột của mình là ông Quý và bà Phụng nuôi dưỡng. Ông Quý mắt đã mù, trong khi đó bà Phụng cũng đã ngoài 70 tuổi. Hai ông bà có 6 người con.

Ông Quý kể lại trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” rằng: “Thôi để nó cho cha đi, cha khai nó làm con nuôi”. Và thế rồi, cô bé ấy được đặt tên là Lê Thị Tân. Cô Tân được cha mẹ nuôi yêu thương, đùm bọc hết mực. Đến năm 16 tuổi, cô xin đi làm phụ hồ rồi sau đó lấy chồng, sinh con. Từ đó, cuộc đời cô như bước sang một trang mới.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, hai vợ chồng cô Tân đã tích được nhiều đất đai, xây dựng nhà cửa rộng rãi, khang trang. Đến nay, các con của cô Tân đều đã khôn lớn, lập gia đình cũng được cha mẹ cho cơ ngơi riêng.

Cuộc sống sung túc, hạnh phúc là vậy nhưng cô Tân vẫn luôn đau đáu nhớ về cội nguồn. Cô muốn tìm lại các chị em của mình. Cô luôn tự hỏi rằng không biết cha mình có còn sống hay không, mộ mẹ cô ở đâu, quê hương của cô là đâu? 

Sau khi dò la được tin tức của bà Chẩm, người cô đã ở đợ năm xưa thì cô Tân biết được gia đình bà đã sang Mỹ định cư, mất hoàn toàn liên lạc.

Cô Tân rưng rưng chia sẻ rằng: “Hồi đó tôi nghĩ là sao ông cha của mình không để bốn chị em ở lại cùng nhà, làm ăn dìu dắt nhau, lớn lên sum họp cùng với nhau. Tại sao lại mỗi người mỗi ngả? Tôi rất đau khổ. Hai chị tôi là con gái còn đi giúp việc cho người ta được, còn em trai tôi, nó là con trai thì làm sao mà đi giúp cho họ được, rồi nó sẽ sống như thế nào? Sau này tôi về cứ nghĩ miết tới thằng em đó, bây giờ nó còn sống hay đã chết”.

Khi ekip chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tìm về Buôn Ma Thuột tìm gặp anh Sanh , anh không khỏi xúc động khi biết chị mình vẫn còn sống và tìm kiếm tin tức của anh. 

Được biết, anh Sanh là con trai của ông Tiết và bà Liệp, quê ở Phù Cát, Bình Định. Bà Liệp lấy ông Tiết và sinh được 5 người con. Năm 1973, sau khi thức dậy, các chị em bàng hoàng khi mẹ đã mất. Sau đó, đứa em út còn chưa tách sữa mẹ cũng mất theo.

Trong suốt nhiều năm qua, anh Sanh cũng luôn tìm kiếm tin tức về chị gái (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)
Trong suốt nhiều năm qua, anh Sanh cũng luôn tìm kiếm tin tức về chị gái (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)

Chị Đầm là chị cả trong gia đình được cha gửi đi ở đợ cho nhà một sĩ quan cấp cao. Tuy nhiên, đến tháng 4/1975, bà trốn được về nhà ngoại, trên người có nhiều vết thương. Cậu của bà Đầm thương xót cháu nên đã lấy một chỉ vàng cuối cùng để đưa bà đi chữa trị. Sau 1 tháng nằm viện, bà Đầm hồi phục.

Còn chị gái thứ 2 là chị Bích cũng được cha gửi vào nhà thương rồi qua trại trẻ mồ côi. Tuy nhiên, sau khi ở được 1 năm thì bà được người thân đến đón về. Chỉ có chị gái thứ 3 là chị Oanh (tức bà Tân) sau khi được cha giao cho một người họ hàng thì không ai biết được tin tức gì. Ông Tiết sau đó cũng đi biệt. 

Còn anh Sanh, anh ở cùng nhà nội với trăm bề thiếu thốn. Để kiếm sống, anh phải đi chăn bò thuê, sau này lớn lên thì nhận cưa gỗ, đốn củi làm chuồng heo cho người trong làng. Hiện, anh sống bằng nghề trồng cây kiểng, kinh tế tương đối ổn định.

Bà Đầm và bà Bích cũng may mắn lấy được người chồng hiền lành, chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống cũng không quá khó khăn.

Kể về người mẹ của mình, anh Sanh cho biết: “Mỗi lần tôi đi hát karaoke bất chợt hát bài nói về mẹ là tôi khóc, rời cuộc chơi đi về. Các bạn không hiểu tại sao. Nghe câu hát "Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết làm sao đây", tự dưng tôi nhớ lại tuổi thơ, không ngồi chơi được nữa. Trưởng thành rồi, tôi đi buôn bán còn có những người họ xoa đầu tôi, khóc vì thương.

Hồi mẹ mất, sữa không còn nữa mà tôi cứ bò qua cái vú bên này bú. Không có sữa tôi bò qua ngược cái vú bên kia bú. Đó là tôi nghe người hàng xóm kể lại, người ta tự khóc rồi tôi khóc theo, chứ có biết gì đâu”.

Còn về phía ông Tiết, anh Sanh cũng cho biết, năm 1991, khi anh 21 tuổi, lúc đang làm thợ rừng, anh tình cờ nghe được cha mình đang sống một mình ở An Khê. Anh tìm đến nhưng cha anh không muốn về bởi ông mặc cảm, tủi hổ vì bao năm xa quê làm ăn nay vẫn tay trắng. Được anh Sanh thuyết phục, đến năm 1996 , cuối cùng ông cũng đồng ý theo con trai về.

Ông Tiết cùng với các con (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)
Ông Tiết cùng với các con (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)

Bà Đầm và bà Bích cũng từng giận hờn cha vì đã khiến các chị em phải chia ly nhưng cuối cùng đạo làm con nên bà cũng cho qua. Giờ đây, bà chị mong tìm lại được người em gái thất lạc.

Gặp lại nhau trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, cô Tân không khỏi nghẹn ngào. Cô tiến lại người em trai, sờ mặt em - người mà cô thương và nghĩ đến nhiều nhất. Khi xa nhà, em trai cô chỉ mới 5 tuổi. Đến nay, em đã trở thành người đàn ông trung niên, mái tóc cũng đã bạc phai theo năm tháng. Như vậy là từ nay, 4 chị em cô đã có thể đoàn tụ, yên lòng sống cùng con cháu rồi.

4 chị em được đoàn tụ với nhau (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)
4 chị em được đoàn tụ với nhau (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)
Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục