Điểm ưu tiên từ lâu đã là câu chuyện gây tranh cãi, khi sự cạnh tranh giữa các học sinh chỉ cách nhau số điểm rất sít sao. Vậy, nên hay không việc cộng điểm ưu tiên?
Điểm ưu tiên được xem là một lời khích lệ của Nhà nước dành cho các thí sinh thuộc diện đặc biệt. Chúng sẽ được cộng vào điểm thi thực tế của thí sinh, để tiến hành xét tuyển vào các nguyện vọng thí sinh mong muốn.
Như đã đề cập, những người được hưởng điểm ưu tiên đều là những thí sinh “đặc biệt”. Từ bao năm qua, khu vực miền núi, hải đảo luôn có các chính sách nhằm thể hiện sự quan tâm của Nhà nước. Dẫu cho nhiều người sẵn sàng quyên góp, giúp đỡ, ủng hộ, nhưng có mấy ai chịu bỏ thành phố để ra đảo, lên núi. Điều đó chứng tỏ rằng những nơi như miền núi hay hải đảo đều vẫn còn là những khu vực khó khăn vô cùng.
Muốn đất nước ngày càng phát triển, chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua bất cứ một vùng miền nào. Và điểm ưu tiên chính là một chính sách hợp lý để thúc đẩy tinh thần và tạo điều kiện cho các học sinh vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số tiếp cận gần hơn với tri thức.
Điển hình như các em xã Nà Hỳ, Điện Biên có thời gian phải chui trong bọc ni lông hay đu dây để băng qua suối, thác đến trường. Trong hoàn cảnh phải đánh cược với cả mạng sống đó mà các em vẫn quyết tâm đi tìm con chữ, thì chẳng phải số điểm ưu tiên là quá xứng đáng hay sao?
Cùng với đó, môi trường học tập, điều kiện sinh hoạt, không khí lớp học… cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ đến kết quả học tập. Ở những thành phố trung tâm, việc có được 10 điểm môn tiếng Anh không phải quá khó, bởi lẽ các em học sinh được học tập thông qua nhiều công cụ hỗ trợ tiên tiến, được đi học thêm tại các trung tâm, đó là những thứ mà vùng sâu vùng xa rất hiếm. Thế nên, việc khó kiếm điểm 7, điểm 8 môn tiếng Anh ở những vùng quê cũng là điều dễ hiểu.
Sau nhiều vụ việc gây tranh cãi, một phần lớn công chúng có sự bức xúc về việc cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh. Thế nhưng, điểm ưu tiên không phải là một chính sách từ thiện, càng không phải là hành động ban phát tri thức. Đó có thể nói là một sự công bằng, giúp rút ngắn khoảng cách trình độ giữa các vùng, giữa các thí sinh bình thường và thí sinh thuộc diện đặc biệt.
Vì điểm ưu tiên chỉ là điều kiện để hỗ trợ những thí sinh thuộc diện đặc biệt vững vàng ở “đầu vào”, bước vào cánh cửa đại học, các em cũng phải tự nỗ lực để đạt được kết quả cho “đầu ra”. Những chuyện như thất nghiệp sau khi ra trường, bằng giả, thiếu kỹ năng mềm, hay thiếu đạo đức, đều là câu chuyện chung chứ không liên quan đến câu chuyện điểm ưu tiên như một số dân tình lo lắng.
Nếu bạn vẫn còn đang đắn đo rằng “điểm ưu tiên có công bằng hay không”, hãy nhớ đến những gia đình có người đã ra đi vì hòa bình của Tổ quốc họ cảm thấy mất mát ra sao, những học sinh đã chịu rất nhiều thiệt thòi vì sinh sống tại những nơi thiếu thốn tiện nghi phải “vượt khó” để đến trường như thế nào.
Đáng lẽ, chúng ta nên giúp đỡ để các em trong gia đình có công với cách mạng, là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được học tập trong môi trường tốt nhất, chứ không phải là so bì , tính toán từng con điểm với các em.