Bức tâm thư vỏn vẹn 10 từ của một em học sinh tiểu học khiến người đọc cảm thấy lo lắng cho em, không muốn tưởng tượng đến viễn cảnh bị mẹ phát hiện.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền ảnh câu chữ viết tay của một em học sinh tiểu học khiến dân tình bàn tán. Câu từ nguệch ngoạc còn sai chính tả, nhiều lần bôi xóa như sau "Ước gì bố lấy mẹ khác, mẹ này ghê lắm" theo đó đây là dòng chữ của một học sinh lớp 1. Bức ảnh này thu hút hơn 15 ngàn lượt thích cùng hàng ngàn bình luận. Nhiều người hài hước chia sẻ đây chính là suy nghĩ của họ lúc nhỏ mỗi khi bị mẹ đánh đòn.
Theo đó, em học sinh có vẻ khó chịu nhưng dân tình thì vô cùng thích thú. Nhiều người dự đoán, đây có lẽ là "kết quả" sau khi mẹ đi họp phụ huynh học kỳ 1 về, hoặc sau khi được mẹ kèm học, không được mua đồ chơi... Nhưng dù là lý do gì thì qua đó có thể thấy, tâm trạng của em học sinh này đang khá ức chế và có suy nghĩ không tốt lắm về mẹ mình.
Một số khác lại thấy lo sợ thay cho em học sinh, nhiều người để lại bình luận: "Đốt luôn tờ giấy này đi con . Đừng để mẹ thấy mẹ buồn"; "Mẹ nào cũng ghê như vậy thôi con, có mẹ mới đời con càng bi kịch hơn nữa"; "Đúng là còn non và xanh, ha ha, có mẹ nào bằng mẹ mình hả con?"; "Con gái em: Mẹ ơi bảo bố lấy thêm mẹ nữa đi. Để đẻ thêm em cho con chơi, con thích có 2 mẹ. Đứng hình mất 5 giây".
Từ câu chuyện trên, nhiều người khuyên các bậc phụ huynh đừng nóng giận mà hãy tìm hiểu kỹ nguồn cơn sự việc để giải quyết. Khi sự trưởng thành của trẻ bước vào những thời kỳ khác nhau, cha mẹ cần phải có những hướng dẫn khác nhau, nếu không trẻ có thể đi sai đường. Chẳng hạn, "thời kỳ chống đối hay "ghét" bố mẹ" là thời kỳ rất đặc biệt, nếu cha mẹ dạy dỗ sai cách thì có thể sẽ dẫn tới những đứa con bất hiếu.
Khi trẻ tức giận, có khả năng con sẽ bày tỏ những từ ngữ có thể làm tổn thương như "con không thích mẹ". Mặc dù câu này ngắn gọn, nhưng nó chứa đựng rất nhiều tiêu cực, và đối với các bậc phụ huynh, điều này có thể tạo ra sự thất vọng lớn khi họ nghe con nói vậy.
Chúng ta cần phải sử dụng các phương pháp hữu hiệu để giúp trẻ đi đúng hướng càng sớm càng tốt. Nhất là khi con chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần học hỏi kiến thức để có thể cho con biết tâm sinh lý con sẽ thay đổi thế nào, những nguy cơ con có thể mắc phải. Điều quan trọng hơn là, cha mẹ cần quản lý tốt cảm xúc của chính mình.