Từ lâu, ngày 20/11 đã trở thành một trong những dịp lễ quan trọng tại Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm nghề dạy học. Vậy nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của ngày 20/11 là gì?
Ngày 20/11 lại đến, rất đông học sinh, sinh viên, phụ huynh đã dành sự tri ân gửi đến những thầy, cô giáo - những người làm nghề dạy học, lèo lái biết bao thế hệ trẻ. Mỗi năm cứ vào dịp này, mọi người nô nức gửi tặng những lời chúc mừng, những món quà ý nghĩa để thể hiện lòng biết ơn của mình đến những người "lái đò". Vậy nguồn gốc lịch sử của ngày 20/11 là gì và ý nghĩa của ngày lễ này trong văn hóa Việt Nam?
Ngày 20/11 hay còn được gọi là ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam là một ngày lễ có truyền thống lâu đời của nước ta. Nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc thật sự của ngày lễ quan trọng ngày.
Tháng 1/1946, tổ chức quốc tế của những nhà giáo tiến bộ được thành lập tại thủ đô Paris (Pháp) với tên gọi Féderation International Syndicale des Enseignants (viết tắt là FISE, Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Năm 1949, tại Hội nghị Quốc tế Vascara, tổ chức FISE công bố bản Hiến chương các Nhà giáo bao gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu của bản Hiến chương xoay quanh việc đấu tranh chống lại nền giáo dục tư bản, phong kiến; thúc đẩy xây dựng giáo dục tiến bộ; bảo vệ quyền lợi về vật chất và tinh thần chính đáng của giáo viên và nghề dạy học.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ diễn đàn quốc tế, tố cáo tội ác của đế quốc thực dân với với người dân nói chung và học sinh, nhà giáo Việt Nam nói riêng.
Năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại thủ đô Viên (Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Tháng 7/1951, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trở thành một thành viên của FISE .
Từ ngày 26-30/8/1957, Hội nghị FISE có 57 quốc gia tham dự (trong đó có Việt Nam) quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày kỷ niệm Quốc tế Hiến chương dành cho nhà giáo.
Ngày 20/11/1958, ngày Hiến chương Nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Sau này, cứ đến ngày 20/11, các cơ quan tiểu ban giáo dục, nhà xuất bản, báo chí thường sản xuất những nội dung ca ngợi công lao và sự hy sinh, đóng góp của nhà giáo dành cho ngành giáo dục.
Ngày 28/9/1982, theo đề nghị của ngành giáo dục, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định sử dụng ngày 20/11 làm ngày kỷ niệm của nhà giáo.
Ngày 20/11/1982, ngày Nhà giáo Việt Nam chính thức được tổ chức toàn thể trên phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, cứ vào ngày 20/11 hàng năm thì người ta sẽ quay về mái trường cũ hoặc thăm những thầy cô giáo từng dạy dỗ nên người.
Lễ 20/11 còn là dịp để các thế hệ học trò, phụ huynh bày tỏ lòng biết ơn, dành sự tri ân sâu sắc của biết bao lứa nhà giáo đã đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam. Hiện nay, nhiều người còn xem ngày 20/11 như một dịp để bạn bè cũ gặp lại nhau sau khi ra trường.
Ảnh: Tổng hợp