Năm 2015 được xem là một trong những kỳ tuyển sinh Đại học đáng nhớ bậc nhất, những cảm xúc từ căng thẳng, hồi hộp, nuối tiếc đến ngỡ ngàng với phụ huynh lẫn thí sinh.
Năm 2015 có thể được coi là một năm đáng nhớ với ngành giáo dục Việt Nam khi đưa vào thực hiện một loạt cải cách mới. Bên cạnh những mặt thuận lợi tích cực cho thí sinh lẫn phụ huynh thì vẫn còn không ít những bất cập phát sinh khiến người trong cuộc lúng túng, căng thẳng. Kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2015 trở thành sự kiện được người dân cả nước quan tâm với nhiều tình huống đặc biệt diễn ra.
Năm 2015 được xem là một trong những năm thi tuyển Đại học đáng nhớ
Cải cách mới gộp hai kì thi tốt nghiệp và Đại học
Từ năm 2015, kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học được dồn vào làm một với tên gọi là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Việc gộp này được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và giảm mệt mỏi cho thí sinh.
Trong quá trình từ khi thi đến lúc có kết quả khá thuận lợi, tuy nhiên đến thời gian xét tuyển lại chưa có những phương thức tối ưu khiến nhiều thí sinh và phụ huynh thực sự lúng túng.
Việc cân đo khả năng đỗ - trượt, theo dõi điểm số, điểm xét tuyển thay đổi liên tục, chầu chực rút và nộp hồ sơ trong vòng 20 ngày. Mặc dù thí sinh có nhiều lựa chọn nhưng lại trở nên căng thẳng và rối loạn.
Việc rút nộp hồ sơ xét tuyển Đại học năm 2015 trở nên hỗn loạn với nhiều thông tin mới
Gần 30 điểm chưa chắc đỗ Đại học
Một số ngành của các trường trong kỳ tuyển sinh năm 2015 có điểm chuẩn lên đến 30 điểm, chính vì vậy nhiều thí sinh có điểm số cao ở mức gần 30 vẫn chưa chắc đỗ được vào trường mong muốn. Như ngành Luật của Học viện An ninh nhân dân có điểm chuẩn năm 2015 là 30 điểm.
Thậm chí vào năm 2015, 9 điểm mỗi môn thi cũng chưa chắc đỗ. Có thí sinh đạt 29.75 vẫn lo lắng khi các trường lấy điểm chuẩn ở mức cao.
Nhiều thí sinh đạt điểm cao, thậm chí gần 30 điểm vẫn chưa chắc đỗ Đại học mong muốn (Ảnh minh họa)
Đỗ Đại học nhưng trượt tốt nghiệp
Cũng trong năm 2015, có trường hợp thí sinh đạt 27.75 điểm khối C (trong đó có 3 điểm vùng). Đây là số điểm có thể giúp thí sinh này đỗ vào những trường Đại học lớn, tuy nhiên lại bị liệt môn Toán khi chỉ đạt 0.5 điểm. Chính vì vậy thí sinh không đủ điều kiện làm hồ sơ xét tuyển vào Đại học vì chưa tốt nghiệp. Trong khi những năm trước, thí sinh phải tốt nghiệp mới được thi Đại học.
Lý giải cho nguyên nhân các môn thi khác điểm cao nhưng Toán lại bị điểm liệt, thí sinh này cho biết do đề thi có nhiều đổi mới nên làm bài không tốt.
Nhiều thí sinh bị điểm liệt trượt tốt nghiệp và không được xét tuyển Đại học (Ảnh minh họa)
Thuê xe cứu thương đi rút hồ sơ để nộp trường khác vì sợ không đỗ
Câu chuyện không tưởng này đã từng xảy ra vào năm 2015 khi một thí sinh được gia đình thuê xe cứu thương để đi rút hồ sơ xét tuyển Đại học.
Một thí sinh tên Trần Cao C. đạt 25.75 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia và đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện An ninh nhân dân. Ban đầu gia đình khá yên tâm vào khả năng đỗ của con. Tuy nhiên với sự biến động của điểm số xét tuyển, đến giờ chót phụ huynh cảm thấy điều này quá mong manh nên quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Vì quyết định được đưa vào phút chót khi chỉ còn vài tiếng nữa là kết thúc thời gian rút - nộp hồ sơ, gia đình đã bàn bạc và chọn phương án thuê xe cấp cứu 115, phương tiện được ưu tiên hàng đầu khi lưu thông trên đường để đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội rút - nộp hồ sơ.
Người tài xế xe cứu thương nhận chuyến chở "bệnh nhân" đặc biệt cách đây 8 năm
Đây là sự việc đặc biệt hy hữu xảy ra. Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh khi đó cho biết, ngoài tài xế, trung tâm cử thêm một y sĩ đi cùng. Khi biết không phải đi đón bệnh nhân về cấp cứu, ra tới Hà Nội đã cho xe về ngay.
Ảnh: Tổng hợp