Mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng, không phải tất cả sinh viên đều sẽ được nhận mức chi phí này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 116 năm 2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Cụ thể sinh viên sư phạm vẫn được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng, không quá 10 tháng cho một năm học. Tuy nhiên từ năm thứ 2 và các năm học tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất không xét hỗ trợ chi phí sinh hoạt với sinh viên có điểm trung bình học tập hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu (dưới 2/4). Các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học.
Sinh viên sư phạm nếu có học lực yếu sẽ không được nhận chi phí hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa)
Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí, đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, không đủ thời gian công tác, đang trong thời gian đào tạo sư phạm nhưng chuyển sang ngành khác sẽ bị thu hồi kinh phí đã hỗ trợ.
Trước đó nghị định 116 có hiệu lực từ năm học 2021 - 2022, quy định về kinh phí hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm lấy nguồn từ ngân sách hàng năm chi cho giáo dục, đào tạo của các địa phương, bộ,ngành, không phải do trường Đại học chi trả. Thời điểm này nghị định không đưa ra yêu cầu về học lực hay điểm rèn luyện của sinh viên.
Sinh viên theo học ngành sư phạm được miễn toàn bộ học phí cùng với đó là mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt. Chính vì vậy đây trở thành ngành được nhiều thí sinh quan tâm đặc ký hàng năm, dẫn đến điểm chuẩn ở mức cao. Năm nay, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử ở một số trường lên đến gần 29 điểm.
Sinh viên ngành sư phạm được miễn toàn bộ học phí và nhận trợ cấp chi phí sinh hoạt
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi nghị định 116 đến hết ngày 14/10. Đề xuất trong dự thảo sẽ tạo động lực để sinh viên học tập, từ đó nâng cao chất lượng.