Những ngành học này có điểm chuẩn trúng tuyển Đại học 2023 ở mức rất cao, với đầu vào chất lượng như vậy liệu cơ hội về việc làm, lương sau khi ra trường sẽ ra sao?
Từ sáng ngày 22/8, các trường Đại học trên cả nước chính thức công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2023 cho tất cả các ngành học. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường nào có điểm chuẩn tuyệt đối 30 điểm, cao nhất là 29.42 điểm cho ngành Khoa học máy tính tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khi đó mức điểm thấp nhất để trúng tuyển là khoảng 15 điểm. Đây là số điểm xét trên thang điểm 30, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2023.
Đại học Bách khoa Hà Nội đang là ngôi trường có điểm chuẩn ngành cao nhất với 29.42 điểm
Dưới đây là 5 ngành học có mức điểm chuẩn trúng tuyển Đại học 2023. Đồng thời với chất lượng đầu vào rất cao như vậy, liệu cơ hội ra trường xin việc làm và mức lương của những ngành học này sẽ như thế nào?
Khoa học máy tính - Đại học Bách khoa Hà Nội (29.42 điểm)
Tại Việt Nam, Khoa học máy tính là một trong những ngành nghề nằm trong danh mục Công nghệ 4.0. Máy tính và Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao.
Mức lương dành cho Kỹ sư Khoa học máy tính sau khi ra trường cũng khá cao, dao động từ 12 - 20 triệu đồng/tháng. Đồng thời sẽ có chiều hướng tăng nhanh dựa theo năng lực và kinh nghiệm của mỗi người trong quá trình làm việc.
Khoa học máy tính là ngành "hot", được nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn đăng ký nguyện vọng
Kỹ sư Khoa học máy tính ra trường có thể làm việc ở nhiều vị trí công việc khác nhau như: Cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Lập trình viên, kiểm thử sản phẩm phần mềm, quản lý quy trình phát triển phần mềm; Chuyên viên IT, quản trị và giám sát an ninh mạng; Thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và bảo trì mạng máy tính nội bộ trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học; Quản trị dự án hệ thống mạng thông tin...
Quan hệ công chúng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (28.78 điểm)
Ngành Quan hệ công chúng (PR) là công việc quản lý các mối quan hệ giao tiếp cộng đồng, xây dựng, giữ gìn hình ảnh tích cực của một cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp. Đây là ngành nghiên cứu và vận dụng kiến thức, kĩ năng vào công việc liên quan đến truyền thông, đối nội, đối ngoại của doanh nghiệp và các cá nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo một số nhận định, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Quan hệ công chúng khi ra trường là rộng mở khi nhiều công ty, doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu. Mức lương khởi điểm có thể trung bình khoảng 7 - 15 triệu đồng, sau đó tăng lên tùy vào năng lực làm việc, kết quả và kinh nghiệm.
Nhân viên PR có cơ hội việc làm lớn ở các công ty, doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Cử nhân tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng có thể làm các công việc như: Viết bài PR, thông báo báo chí, phát triển nội dung website; Truyền thông nội bộ; Tổ chức sự kiện; Các công việc trong ngành báo chí...
Sư phạm Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (28.42 điểm)
Đây là ngành Sư phạm có điểm chuẩn khá cao, sinh viên theo học sẽ được đào tạo kiến thức sâu rộng, vững chắc về khoa học Lịch sử, khả năng giảng dạy các kiến thức Lịch sử cho học sinh phổ thông, đáp ứng chương trình phân ban cũng như phù hợp với các nội dung giảng dạy.
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử, cử nhân có thể tham gia giảng dạy ở trường học các cấp. Hiện tại ở nhiều khu vực vẫn cần đội ngũ giáo viên cho các môn khoa học xã hội, trong đó có Lịch sử là bộ môn quan trọng, nằm trong chương trình thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Giáo viên Lịch sử có cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường (Ảnh minh họa)
Mức lương cho giáo viên Lịch sử sẽ tùy thuộc vào các cấp dạy khác nhau từ trung học cơ sở lên đến giảng viên Đại học. Có thể tính trung bình từ 5 - 8 triệu đồng/ tháng và cao nhất có thể lên đến 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Kỹ thuật máy tính - Đại học Bách khoa Hà Nội (28.29 điểm)
Ngành kỹ thuật máy tính là ngành kết hợp kiến thức chuyên môn của cả hai lĩnh vực Công nghệ thông tin và Điện tử; ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính nghiên cứu ra những nguyên lý, những phương pháp thiết kế, phát triển hệ thống phần mềm và phát triển các giải pháp về phần cứng.
Đây là ngành "hot" thứ 2 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội sau Khoa học máy tính. Nhiều thí sinh có điểm đầu vào cao thường chọn 1 trong 2 ngành này để theo đuổi.
Kỹ thuật Máy tính được coi là ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thời đại 4.0. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ Thông tin – Truyền thông nói chung và ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính nói riêng, trong vòng 20 năm tới, được xác định với quy mô lên tới hàng triệu kỹ sư.
Ngành Kỹ thuật máy tính chỉ xếp sau Khoa học máy tính về độ "hot" (Ảnh minh họa)
Mức lương dành cho kỹ sư Kỹ thuật máy tính có thể dao động từ 8 - 20 triệu đồng/tháng và thăng tiến nhanh tùy vào hiệu quả công việc, kinh nghiệm.
Công nghệ thông tin - Trường Đại học Công nghệ Hà Nội (27.85 điểm)
Thêm một ngành liên quan đến công nghệ thông tin có điểm chuẩn đầu vào ở các trường Đại học rất cao. Công nghệ thông tin là ngành học quen thuộc, người học được đào tạo để sử dụng máy tính và các phần mềm máy tính để phân phối và xử lý các dữ liệu thông tin, đồng thời dùng để trao đổi, lưu trữ và chuyển đổi các dữ liệu thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau.
Nhu cầu về nhân lực ngành công nghệ thông tin luôn ở mức cao, nhiều công ty doanh nghiệp luôn có đội ngũ IT để hỗ trợ nhiều công việc liên quan đến máy móc, lập trình. Chính vì vậy cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành học này ở mức lý tưởng.
Nhân viên IT nằm trong top những nghề có mức lương cao (Ảnh minh họa)
Mức lương cho kỹ sư Công nghệ thông tin cũng từng khiến nhiều người trầm trồ khi khá cao, tuy nhiên trung bình dao động từ trên 10 triệu đồng/tháng và có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng.