Mỗi tháng, tổng chi tiêu của gia đình 5 người bao gồm cả ăn uống, xăng xe, học hành con cái của gia đình chị Mè Ngọc (Thái Bình) chỉ gói ghém trong 3,3 triệu đồng.
Chị Mè Ngọc (ở Thái Bình) là một công nhân. Chị thường xuyên đăng tải những mâm cơm gia đình lên mạng xã hội. Làm công nhân nên tiền lương của chị cũng không cố định mà phụ thuộc vào số ngày đi làm. Nếu tháng nào công ty hết việc thì lương tháng đó của chị chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng. Số tiền này chị phải chi tiêu để lo cho gia đình gồm có 5 thành viên: 2 vợ chồng, 2 con nhỏ và mẹ chồng.
Chia sẻ với Báo Thể thao Văn hóa, chị Ngọc tiết lộ rằng: “Nhận lương về một cái là mình phải để riêng những khoản cố định. Ví dụ như: 3,3 triệu thì phải để riêng ra 2 triệu: Tiền ăn của con 700 nghìn, tiền thuê đón con 500 nghìn, 800 nghìn là tiền ăn thêm ở nhà, vì các bé cần có chế độ ăn riêng cho đủ chất. Còn lại 1,3 triệu đồng mình lo sắm sửa những món đồ thiết yếu như mắm, muối, mì chính, dầu ăn,… Cái nào sắp hết rồi thì phải sắm luôn rồi để đó cho an toàn. Tránh lúc nào hết tiền thì lại càng bí thêm”.
Sau khi đã mua sắm đủ các thứ cần thiết, lúc này, chị Ngọc mới tính đến chi phí ăn uống. Chị Ngọc cho biết, mỗi tháng dù tiền lương ít nhưng đều sẽ đủ 3,3 triệu đồng. Tiền điện nước thì chồng chị sẽ lo nên nếu tháng nào lương cao, tầm khoảng 5 triệu đồng, chị vẫn để tiết kiệm được. Ngoài ra, trong vườn nhà, chị còn trồng thêm rau để cải thiện thêm bữa ăn của gia đình.
Sau khi xem qua về cách chi tiêu của gia đình, nhiều người thắc mắc về tiền học, ma chay cưới hỏi thì được chị Ngọc trả lời rằng, có một số tháng tiền lương của chị được 5 triệu, chị tiết kiệm, dành dụm thì sẽ dành để phòng những trường hợp cần dùng đến.
Về việc nấu những bữa ăn với chi phí cực rẻ, chị Ngọc cũng chia sẻ rằng: “Mình không bắt chước ai trong việc làm những bữa cơm với giá 5 nghìn, 10 nghìn. Trên thực tế đấy là bữa cơm hàng ngày của gia đình mình”.
Với cách chi tiêu này của chị Ngọc, nhiều người cảm thấy khó tin và cũng không khỏi khâm phục. Tuy nhiên, với những người sống ở vùng ngoại ô, nông thôn, có thể tự cung tự cấp được nguồn lương thực thì điều này cũng là hợp lý. Ví dụ như bữa cơm 2 nghìn đồng thì chị Ngọc chỉ tốn tiền mua mồng tơi nấu canh còn tép thì được cho, cá ở dưới ao và một số nguyên liệu khác trong vườn. Còn với những bữa cơm chỉ 10 nghìn hay 12 nghìn thì chị chỉ tốn tiền gia vị còn lại là trong vườn trồng được.