House of Gucci thu hút khán giả nói chung và giới mộ điệu nói riêng vì xới tung những mẩu chuyện tai tiếng bậc nhất làng thời trang. Bộ phim khắc họa những tranh đấu gia tộc Gucci bằng hơi hướng chính kịch cùng lối hài châm biếm đầy nghiệt ngã.
House of Gucci (Gia tộc Gucci) là tác phẩm lấy cảm hứng và dựa trên các sự kiện có thật diễn ra về đại gia đình nhà mốt thượng lưu đình đám trời Âu - Gucci (tên đầy đủ: The House of Gucci). Thương hiệu này được sáng lập vào năm 1921 bởi Guccio Gucci tại Florence, Tuscany và chuyện phim khai thác từ giai đoạn 2 con trai của ông là Aldo Gucci (Al Pacino) và Rodolfo Gucci (Jeremy Irons) đang dẫn dắt thương hiệu cực kì thành công.
Song, thời hoàng kim của một công ty gia đình danh giá đi đến bờ vực sụp đổ ở thập niên 1980, sau khi Rodolfo qua đời. Con trai duy nhất của Rodolfo - Maurizio Gucci (Adam Driver) cùng vợ mình Patrizia Reggiani (Lady Gaga), người chú Aldo Gucci và anh họ Paolo Gucci (Jared Leto) bắt đầu nảy sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ đã dẫn đến bi kịch kinh điển trong làng thời trang bấy giờ.
Kịch bản sáng tạo, lời thoại đắt giá
House of Gucci xứng đáng là bộ phim về một gia tộc danh giá từng làm mưa làm gió làng thời trang, các nhân vật toát lên phẩm cách sang trọng trong từng cử chỉ, lời nói của họ. Đặc biệt là hai cha con Radolfo Gucci và Maurizio Gucci, phong thái của 2 nhân vật này nổi cộm lên những đặc tính độc đáo của thương hiệu và mỗi khi họ xuất hiện, khán giả phải ngầm thán phục đúng là "người nhà Gucci" đây rồi.
So với câu chuyện thực tế về biến cố của gia tộc này, House of Gucci có lẽ chỉ lấy cảm hứng để tái hiện lại câu chuyện, chọn lựa lời kể theo cách của mình. Bộ phim có nhiều tình tiết căn chỉnh mốc thời gian, thêm thắt nhiều điểm cao trào với hi vọng truyền tải đến khán giả những câu chuyện xoay quanh những tranh đấu gây nên sóng gió gia tộc này. Tuy nhiên, nếu đường dây kịch bản chạy rất tốt, gãy gọn và súc tích ở nửa đầu phim thì lại mất đà, lê thê và gây buồn chán khi tiến gần về kết phim. Đặc biệt là sự kiện ám sát Maurizio Gucci bởi chính người vợ Patrizia vốn được trông đợi lại diễn ra chớp nhoáng, có lẽ là do không thể kéo dài thêm thời lượng nữa nên vội vàng kết thúc.
Điểm cộng lớn của phim đến từ việc sử dụng ngôn từ cẩn trọng, đầy ẩn dụ và bật ngay lên phong cách của từng nhân vật khi họ giao tiếp. Điều này đã bổ trợ và tăng mạch cảm xúc rất nhiều cho khán giả khi theo dõi. Thêm nữa, phim sở hữu lối gây hài châm biếm, đầy ẩn dụ khiến người xem thích thú với câu chuyện hơn.
Màu sắc đẹp đẽ, thời trang thượng lưu hút sự chú ý
Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến phần nhìn mà House of Gucci mang lại, những thước phim với bối cảnh đẹp, màu sắc trầm ổn và biến chuyển theo từng giai đoạn, mốc thời gian làm cho khán giả như được chính mình sống lại giai đoạn hoàng kim đó, và dễ thấu cảm hơn khi chứng kiến sự sụp đổ của đế chế Gucci.
Như Tom Ford (cựu giám đốc sáng tạo của Gucci) - người đã góp phần lớn trong việc vực dậy thương hiệu này trong làng thời trang cũng cho rằng bộ phim sẽ rất thành công về mặt thương mại bởi: “Dán logo Gucci lên bất kỳ thứ gì, và nó cũng sẽ bán đắt như tôm tươi”. Quả thật, những phục trang được tận dụng, phối hợp cực đẹp mắt theo xu hướng từng thập niên đi qua và song song đó là sự xuất hiện tinh tế của các sản phẩm, cửa hàng Gucci khiến người xem hầu như không thể rời mắt. Từng bộ cánh liên tiếp xuất hiện đều toát lên sự sành điệu, hào nhoáng hệt như danh xưng một trong những nhà mốt hàng đầu mà Gucci sở hữu.
Diễn xuất tốt nhưng chưa đều, một số nhân vật cần tiết chế hơn
House of Gucci quy tụ nhiều ngôi sao hạng A và có đến bốn gương mặt đoạt giải Oscar gồm: Lady Gaga, Jared Leto, Jeremy Irons, Al Pacino khiến người xem rất trông đợi vào sự kết hợp lần này nhưng dường như đâu đó vẫn còn sự bất cân, chưa đồng đều về kỹ năng diễn xuất và lột tả tâm lý, phong cách nhân vật của họ. Điểm sáng diễn xuất của phim rơi vào tay Jeremy Irons dù đất diễn và thời lượng xuất hiện của ông khá yếu thế. Nam diễn viên thể hiện nhân vật sang - xịn - mịn và tạo ấn tượng mạnh mẽ về thời trang, phong cách của nhân vật này. Tiếp theo đó, diễn xuất tinh tế, nhẹ nhàng của Adam Driver, sự phá cách và hài hước của Lady Gaga cũng nhận được nhiều cảm tình.
Trái lại, hai nhân vật Aldo Gucci và Paolo Gucci lại khiến người xem nhiều lần ngán ngẩm bởi lối diễn xuất còn chưa tiết chế cảm xúc tốt, thiếu ổn định do diễn viên đảm nhiệm. Vốn là điểm hài châm biếm, gây cười chính nhưng càng về sau lại càng đuối sức, đẩy nhân vật đến ánh nhìn lố lăng, mất thiện cảm trong người xem.
Một đế chế huy hoàng tiêu tan vì "gen cố chấp"
Chuyện phim vốn được chuyển thể dựa trên quyển sách có tiếng The House of Gucci của Sara Gay Forden (2001). Lấy vụ án dấy lên điều tiếng không mong muốn cho gia tộc Gucci năm 1995 khi Patrizia Reggiani âm mưu ám sát chồng mình là Maurizio Gucci. Sự phân biệt giai cấp, tham vọng của Patrizia suy cho cùng cũng chỉ là giọt nước tràn ly, một hòn đá đánh tan sự tĩnh lặng của chiếc ao Gucci đầy ắp sự cố chấp bởi những ám ảnh từ cái bóng quá lớn về quyền lực, danh vọng mang lại. Chính tư duy cổ hủ, độc đoán và nhất định không chịu linh hoạt trước thời đại mới là ngòi nổ đánh tan gia tộc này, khiến giới mộ điệu ngán ngẩm và xa lánh họ.
Tóm lại, House of Gucci sẽ không khiến người hâm mộ thất vọng về sự đầu tư cho bối cảnh, thời trang trong từng thước phim hiện lên màn ảnh và mặc cho câu chuyện còn quá dài, nhịp phim chủa đều thì đúng là khó có ai mà dễ dàng rời mắt khỏi tất cả những gì có gắn mác Gucci mỗi khi nó xuất hiện.
Phim hiện được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Thanh Trúc