Lẩu tự sôi, cơm tự sôi là các món ăn đang rất hot 2 năm gần đây bởi sự độc, lạ, mới mẻ và tiện lợi. Tuy nhiên những sản phẩm này lại có nguồn gốc không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.
Những hộp cơm và lẩu tự sôi thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, có khả năng làm nóng thực phẩm từ bên trong mà không cần đến bất cứ công cụ làm nóng nào như bếp điện, đun sôi,…
Nhà sản xuất đã sử dụng một túi tạo nhiệt bên trong những hộp sản phẩm này, thành phần hóa học trong túi tiếp xúc với nước có tác dụng sản sinh ra nhiệt, làm nước nóng lên từ đó sẽ tự động sôi.
Hiện nay, lẩu tự sôi nổi lên như một trào lưu mới trong giới ẩm thực, được rất nhiều người săn lùng, đặc biệt là giới trẻ và dân văn phòng. Với sự tiện lợi cùng hương vị thơm ngon, món lẩu này nhanh chóng chiếm được thị phần lớn trong thị trường bởi sự nhanh, gọn, lẹ, sự tò mò. Đây là một món lẩu đa dạng về hương vị, người mua có thể thoải mái lựa chọn hương vị yêu thích. Ví dụ như: lẩu bò tê cay, lẩu hải sản tự sôi, lẩu bò tự sôi, lẩu tự sôi Hàn Quốc, lẩu lòng bò tự sôi,…
Tuy nhiên những sản phẩm này có mức giá không hề rẻ. Theo giá được rao bán trên các trang mạng, mỗi hộp lẩu có giá 120.000 - 200.000 đồng dành cho 1 người ăn, trong khi đó mỗi hộp cơm tự sôi sẽ có mức giá từ 100.000 - 150.000 đồng.
Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia cho hay phương pháp gia nhiệt bằng gói tạo nhiệt không phải là cách làm mới khi từng được áp dụng trong quân đội để làm nóng thực phẩm. Gói tạo nhiệt này chứa bột magie được trộn với muối và bột sắt. Khi thêm nước, phản ứng hóa học sẽ diễn ra trong vài giây và đun sôi lượng nước này.
Tuy nhiên, việc làm nóng này cần đảm bảo nguyên tắc các gói hóa chất được đóng gói kỹ càng để không có khả năng thôi nhiễm trong quá trình sử dụng. Cũng như dụng cụ có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao.
Trên thực tế, hiện nay các sản phẩm nêu trên khi nhập về Việt Nam trên bao bì không có ghi bằng tiếng Việt nên rất khó để kiểm định chất lượng của những gói hoá chất. Thêm vào đó, theo quan sát thông thường, phần chứa thực phẩm đều là nhựa thông thường nên rất có thể sẽ bị thôi nhiễm hóa chất trong quá trình làm chín thức ăn.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng – Bộ môn Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường Đại học Hoa Sen cũng cho rằng, cần tránh tiếp xúc trực tiếp giữa hoá chất, nước đun hoá chất với thức ăn. Mặc dù sắt hay magie vẫn là một dạng chất cần bổ sung cho cơ thể, tuy nhiên phải ở dạng khoáng chất mà cơ thể có thể tiêu hoá được. Trái lại có thể gây ngộ độc cho người dùng khi ở lượng vượt ngưỡng cho phép.
“Hoá chất tiếp xúc với nước sinh ra nhiệt, khiến nước bốc hơi rất nhiều. Tuy nhiên hơi nước sinh ra, nước ngưng tụ trên nắp hộp hoặc vào thực phẩm thì không vấn đề. Nhưng mà các chất còn lại trong nước sẽ độc, ví dụ như sắt là kim loại nặng nếu không tan hay bốc hơi hết sẽ gây độc nếu ăn phải”, TS Đồng cho hay.
Cũng theo TS Đồng, một nguy cơ khác có thể gây hại cho sức khoẻ của người sử dụng là chiếc hộp nhựa đựng thực phẩm để đun phải là loại nhựa tốt, không có phụ gia nguy hại cho sức khoẻ. Thế nhưng nhựa không có phụ gia thường rất cứng, giòn, dễ bể nên để có chiếc hộp dẻo, khó vỡ thì người ta sẽ thêm rất nhiều loại phụ gia khác nhau vào làm nhựa dẻo hơn. Nếu chất tạo dẻo là chất an toàn thì không có vấn đề, còn chất tạo dẻo có khả năng gây ung thư thì nó là vấn đề của bao bì.
Ngoài ra, các chuyên gia về dinh dưỡng cũng từng khuyến cáo, không nên sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm dưới hình thức tự sôi. Vì thực phẩm tươi sống tự chế biến, đun nấu có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, có thể an toàn, thậm chí rẻ tiền hơn các loại thực phẩm tự sôi.
"Bỏ qua hết các rủi ro về hoá chất nhưng quá trình thao tác không khéo thì hoá chất có thể dễ dàng gây tổn thương, bỏng… Thức ăn chế biến sẵn để giữ được lâu phải có chất bảo quản, mình hạn chế chất bảo quản sẽ tốt hơn cho sức khoẻ”, TS Đồng đưa lời khuyên.