Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước sẽ bắt đầu có hiệu lực và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Trong đó có nhắc đến quy định cấp đổi thẻ căn cước.
Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước trong Kỳ họp thứ 6. Từ ngày 1/7/2024, luật căn cước mới sẽ bắt đầu có hiệu lực, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và đáp ứng các yêu cầu về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo vệ quyền con người và công dân.
Mục tiêu của luật này là hướng tới việc xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, nhằm phục vụ cộng đồng và doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Trong số các điểm quan trọng của Luật Căn cước là việc thay thế thẻ căn cước công dân (CCCD) bằng thẻ căn cước. Gần đây, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã trao đổi với các phương tiện truyền thông về một số vấn đề liên quan đến quy định cấp đổi thẻ căn cước mới cũng như những điều liên quan.
Quy định cấp đổi thẻ căn cước mới từ ngày 1/7/2024
Theo ông Đại tá Vũ Văn Tấn, kể từ ngày 1/7, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, Bộ Công an sẽ thực hiện việc theo quy định cấp đổi thẻ căn cước của Luật Căn cước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Căn cước.
Theo Luật Căn cước, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành sẽ được coi là có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Khi cần thiết, công dân có thể yêu cầu đổi sang thẻ căn cước mới.

Theo quy định cấp đổi thẻ căn cước mới, những đối tượng phải cấp, đổi thẻ căn cước bao gồm: Công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước, thẻ CCCD; công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng.
Trong trường hợp công dân dưới 14 tuổi, công dân có thẻ CCCD còn thời hạn sử dụng được cấp thẻ căn cước khi công dân đó có nhu cầu. Ngoài ra, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thì trung bình hằng năm, Bộ Công an sẽ tiến hành cấp thẻ căn cước cho khoảng 10 triệu người, bao gồm 3 triệu thẻ cấp mới cho công dân đến độ tuổi và những trẻ em có nhu cầu, 4 triệu thẻ được cấp cho những ai có nhu cầu đổi thẻ và 3 triệu thẻ dành cho những đối tượng còn lại.

Theo quy định trong Luật Căn cước áp dụng từ ngày 1/7/2024, công dân làm thủ tục cấp giấy căn cước mới sẽ được tiến hành thu nhận thông tin cá nhân về mống mắt để đảm bảo tính xác thực. Việc thu nhận thông tin về mống mắt nhằm giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.
Nhận dạng mống mắt là một phương pháp quan trọng trong việc thu thập dữ liệu sinh trắc học để xác định danh tính cá nhân một cách duy nhất. Dù không có căn cước, quá trình này vẫn có thể thực hiện nhanh chóng và chính xác.

Kết hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu sinh trắc học khác nhau như vân tay và ảnh khuôn mặt cùng với mống mắt, giúp tăng cường tính chính xác trong việc xác thực cá nhân và ngăn chặn hành vi giả mạo. Sử dụng dữ liệu mống mắt không chỉ đảm bảo tính chính xác cao mà còn giúp dễ dàng triển khai các ứng dụng quản lý, phòng chống tội phạm và thúc đẩy phát triển kinh tế số cũng như công dân số.