Thân nhân của 239 hành khách trên máy bay MH370 tự hỏi liệu họ có thể tìm ra lời giải cho sự mất tích bí ẩn này sau 10 năm hay không?
Máy bay MH370 gần khi biến mất không dấu vết?
Rạng sáng ngày 8/3, một chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia mang số hiệu 370 xuất phát từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) và dự kiến sẽ đáp xuống sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong suốt hành trình, máy bay đạt đến độ cao 35.000 ft theo chỉ dẫn.
Khi tiến vào không phận của Việt Nam và liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Việt Nam, phi công trưởng nói với bộ đàm: "Chúc ngủ ngon, Malaysia 370". Đó cũng là tín hiệu cuối cùng mà trạm kiểm soát không lưu nhận được từ chiếc máy bay MH370.
Sau 1 thập kỷ kể từ khi chiếc máy bay MH370 mất tích trong hành trình đến Bắc Kinh, bất chấp những cuộc tìm kiếm quy mô lớn với sự hợp tác đa quốc gia và tiêu tốn số tiền nhiều nhất lịch sử, ngành hàng không vẫn chưa thể tìm được lời giải đáp.
Nỗi đau của những người ở lại từ thảm kịch máy bay MH370
Naren đến từ Ấn Độ - vợ của Chandrika cũng là một trong số 239 hành khách mất tích trên máy bay MH370 nói với tờ Guardian, cô không thể nào tin nổi: "Tôi e ngại rằng nếu chúng ta không biết chuyện gì xảy ra với chiếc máy bay này thì một trường hợp tồi tệ tương tự sẽ tái diễn".
Đây cũng là câu hỏi ám ảnh tất cả mọi người khi đi máy bay. Làm thế nào mà một chiếc máy bay với thiết kế và công nghệ tân tiến nhất thuộc dòng Boeing 777 được trang bị hiện đại của thế hệ mới với hệ thống định vị toàn cầu và bộ máy liên lạc liên tục lại có thể biến mất một cách im ắng như thế?
Nhu cầu tìm kiếm sự thật về chiếc máy bay mất tích không lúc nào nguôi ngoai trong lòng những thân nhân của các hành khách trên chuyến bay định mệnh.
Tiến sĩ Ghouse Mohd Noor - một người bạn của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shad của máy bay MH370 cho biết: "Gia đình cơ trưởng Zaharie vẫn vô cùng hy vọng vào câu trả lời nhưng đến nay chưa có kết luận cụ thể. Cần phải có một lời giải thích về chuyện gì đang diễn ra.
Vợ và các con của anh ấy có một niềm tin vào tương lai nhưng những nghi vấn vẫn chưa khép lại. Mọi người cần một câu trả lời. Tôi vẫn ngày đêm cầu nguyện cho chiếc máy bay xấu số được tìm thấy. Chúng tôi sẽ ủng hộ mọi nỗ lực mới của phía chính phủ trong việc tìm kiếm máy bay".
Fuad Sharuji - người từng giữ chức giám đốc xử lý khủng hoảng của hãng hàng không Malaysia Airlines vào thời điểm máy bay MH370 bị mất tích cho biết, gia đình Zaharie đã bị cô lập khi họ cố gắng chống lại các thuyết âm mưu xoay quanh phi công.
"Đối với gia đình, đây là một điều cực kỳ khó khăn. Họ cố tránh xa truyền thông vì từ chối những lời buộc tội... họ đang cố hết sức để duy trì cuộc sống", ông Fuad Sharuji nói với tờ Guardian.
Những cuộc tìm kiếm máy bay MH370 không có kết quả
Những ngày sau khi máy bay MH370 được thông báo mất tích, có quá ít thông tin về khu vực tìm kiếm từ Kazakhstan ở Trung Á đến vùng biển Nam Cực. Suốt nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng và nhiều năm sau đó, việc thu thập các mảnh vỡ của máy bay theo dữ liệu vệ tinh, theo dõi radar và thậm chí là phân tích dòng hải lưu đã giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm, đồng thời cũng kéo theo nhiều hướng đi mới đối lập nhau.
Chủ Nhật vừa qua (3/8), thủ tướng Anwar Ibrahim đã nhắc lại quan điểm của Malaysia rằng họ sẵn sàng mở lại cuộc điều tra và tìm kiếm máy bay nếu có bằng chứng thuyết phục. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Malaysia - Anthony Loke cho biết ông sẵn sàng gặp công ty hàng hải Ocean Infinity của Mỹ để thảo luận các kế hoạch tìm kiếm sau khi công ty đệ trình đề xuất lên chính phủ.
Kể từ năm 2014, đã có 3 cuộc điều tra chính thức được triển khai. Đầu tiên là cuộc tìm kiếm dưới đáy biển của Úc dẫn đầu nhưng không có kết quả, tiếp theo là cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia với báo cáo dài 500 trang vào năm 2018. Tuy nhiên vẫn chưa có cuộc điều tra nào tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn.
Những câu hỏi kéo dài từ năm 2014 đến năm 2024 vẫn không có lời đáp. Điều quan trọng nhất cần nhắc đến là vì sao máy bay MH370 lại rẽ hướng không có kiểm soát về phía Ấn Độ Dương so với hành trình bay của mình. Quan trọng hơn là vì sao 2 thiết bị theo dõi và liên lạc trên máy bay lại không báo tín hiệu.
Giả thuyết xoay quanh cơ trưởng của máy bay MH370
Chính những nghi vấn trên đã dẫn dắt sự chú ý nhằm vào Zaharie (53 tuổi) - cơ trưởng của máy bay MH370 và Fariq Abdul Hamid (27 tuổi) - cơ phó trên máy bay mất tích. Giả thuyết cho rằng "phi công cướp máy bay" càng được củng cố khi tìm thấy dữ liệu được phục hồi từ thiết bị mô phỏng chuyến bay do Zaharie sở hữu hiển thị một ai đó đã len kế hoạch đến phía nam Ấn Độ Dương.
William Langewiesche - một phi công giải nghệ chuyển sang báo điều tra đã viết trên tờ Atlantic vào năm 2019: "Vụ mất tích là một hành động có chủ đích. Không thể tưởng tượng được đường bay đã lên kế hoạch trước và sự im lặng từ tín hiệu vô tuyến, điện tử mà không phải do lỗi hệ thống".
Langewiesche tin rằng cơ trưởng Zaharie đã yêu cầu cơ phó ra khỏi buồng lái vì một lý do nào đó. Ngay lúc ấy, ông tắt hầu hết hệ thống điện và cố tình giảm áp suất máy bay khiến mọi người trong cabin mất khả năng hoạt động trong vài phút.
Một giả thuyết khác được đưa ra nhưng các chuyên gia cho rằng hiếm có khả năng xảy ra, đó là phi công bị bối rối trước sự cố chứ không phải cố tình cướp máy bay. Tức là Zaharie đã gặp một số trục trặc như hỏa hoạn hoặc giảm áp suất đột ngột, ông muốn quay trở lại Malaysia nhưng bị thiếu oxy. Trong lúc bối rối, Zaharie hoặc Fariq đã vô tình tắt thiết bị liên lạc. Chiếc máy bay sau đó rơi vào trạng thái "máy bay ma" nhưng vì chế độ tự lái vẫn hoạt động nên nó tiếp tục hành trình.