Chuyến bay JAL123 của Japan Airlines đã gặp sự cố kinh hoàng khiến toàn bộ 520 người thiệt mạng và chỉ có 4 người sống sót. Nguyên nhân do 1 chiếc đinh tán.
Tai nạn kinh hoàng của chiếc máy bay Boeing 747SR mang số hiệu JAL123 của hãng hàng không Japan Airlines đến nay vẫn là bài học để đời cho ngành hàng không Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Định mệnh xảy ra vào ngày 12/8/1985, máy bay JAL123 đã cất cánh từ sân bay Tokyo Haneda đến thành phố Osaka với 509 hành khách và 15 nhân viên phi hành đoàn. Tuy nhiên, chiếc máy bay này đã mãi mãi không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tháng 8 mỗi năm là thời điểm sắp diễn ra ngày lễ Obon truyền thống của người Nhật nên nhu cầu di chuyển, đi lại bằng phương tiện công cộng cũng cao hơn bình thường. Nhiều người dân háo hức đặt vé máy bay để đến Osaka đoàn tụ cùng gia đình hoặc chuẩn bị cho kỳ nghỉ ngắn ngày của mình. Chính vì vậy chuyến bay JAL123 có số lượng hành khách đông đúc hơn bình thường.
Khoảng 18h12 (theo giờ địa phương), máy bay JAL123 cất cánh từ đường băng 16L với báo cáo an toàn. Tuy nhiên chỉ sau 12 phút bay lên bầu trời, một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra khiến máy bay chao đảo, lắc lư dữ dội. Phần trần phía trên nhà vệ sinh ở đuôi máy bay bị xé toạc và rơi xuống đất. Chiếc máy bay hoàn toàn mất điều khiển, mặt nạ dưỡng khí trong cabin và thông báo tự động được kích hoạt càng khiến hành khách thêm hoảng loạn.
Phi công ở buồng lái đánh giá thông số bất thường, áp ực dầu bên trong hệ thống điều khiển thủy lực giảm nhanh chóng. Máy bay không còn nghe theo sự điều khiển của phi công và liên tục thay đổi hướng bay. Mọi người đã cố gắng kiểm soát máy bay và tìm cách hạ cánh khẩn cấp nhưng mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn.
Không lâu sau, máy bay mất trọng lực, lao thẳng xuống vực sâu với tốc độ 5.500m/phút. Chiếc máy bay JAL123 gần như đã được định đoạt kết cục bi thảm. Máy bay rơi xuống một khu rừng trên núi Osutaka (Takamagahara) sau 32 phút kể từ lúc cất cánh. Phần đầu cánh phải và động cơ số 4 bị đập vào rừng cây và đứt lìa. Máy bay tiếp tục va vào một sườn núi, trượt dài vào một khe núi khác.
Sau khi dừng lại, máy bay phát nổ khiến các mảnh vỡ kim loại bắn tung tóe khắp nơi. Lúc người ta tiếp cận hiện trường, tình hình đã vô cùng thảm khốc. Xung quanh không khác gì ngày tận thế với nhiều mảnh vỡ và các mảnh thi thể của nạn nhân rải rác khắp nơi.
Đội cứu hộ tưởng chừng như không còn ai sống sót thì lúc này, họ tìm thấy 4 hành khách vẫn còn tia hy vọng sau 14 giờ kể từ lúc máy bay rơi xuống núi và phát nổ. Danh tính 4 nạn nhân may mắn được công bố là Yumi Ochiai, Keiko Kawakami, Hiroko Yoshizaki và Mikiko Yoshizaki. Những hành khách này kể lại khoảnh khắc đau đớn và ám ảnh khi phải chịu đựng cái lạnh giá ban đêm ở nơi rừng sâu hun hút và bên cạnh là hiện trường tai nạn thương tâm.
Sau khi tiến hành điều tra, phía cơ quan chức năng đã công bố nguyên nhân xảy ra thảm kịch của máy bay JAL123 là do sự cố mất toàn bộ phần đuôi chứa hệ thống thủy lực nên máy bay mất kiểm soát. Hóa ra vào 7 năm trước, máy bay này từng gặp trục trặc do lỗi "dập đuôi" khi cất cánh. Các kỹ sư đã tiến hành sửa chữa nhưng vì thực hiện sai quy trình khiến vách ngăn bị thủng không nối lại đủ số đinh tán. Khi máy bay cất cánh, số đinh tán không đủ để chịu lực nén gấp đôi thông thường nên đã bung ra khiến đuôi máy bay gãy ngang.
Vụ tai nạn thảm khốc của JAL123 đã trở thành bài học xương máu cho toàn bộ ngành hàng không ở Nhật Bản. Những di vật của các nạn nhân qua đời và phần còn nguyên vẹn của JAL123 sau vụ tai nạn đã được trưng bày bên trong bảo tàng của hãng Japan Airlines như một cách để tưởng nhớ những người xấu số đã ra đi.