Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam (PTCNVH) đã tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và chính thức ra mắt trong niềm kỳ vọng của giới chuyên môn và cộng đồng làm văn hóa - sáng tạo cả nước.
Ngày 11/7/2025 tại Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030 của Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đã chính thức được tổ chức với sự tham dự của đông đảo đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức, viện nghiên cứu, nghệ sĩ và cộng đồng sáng tạo trong và ngoài nước. Sự kiện đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho một tổ chức xã hội nghề nghiệp có vai trò kết nối, định hướng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Hiệp hội ra đời trong bối cảnh chuyển mình mạnh mẽ
Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 541/QĐ-BNV do Bộ Nội vụ ban hành ngày 30/5/2025, hoạt động trên phạm vi cả nước, hướng đến tập hợp và đại diện cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, công nghệ, truyền thông, giáo dục, đầu tư và doanh nghiệp văn hóa.
Trong bối cảnh nền kinh tế sáng tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp khoảng 7% GDP và thu hút hơn 3 triệu lao động trên toàn quốc, sự ra đời của Hiệp hội được xem là bước đi tất yếu nhằm tập hợp nguồn lực phân tán, tạo đầu mối kết nối và gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp văn hóa một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tương lai.
Bộ máy lãnh đạo hội tụ nhiều nhân sự uy tín
Tại đại hội, NSND Vương Duy Biên nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ đầu tiên. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành gồm 46 ủy viên được bầu chọn kỹ lưỡng, trong đó có 11 Phó Chủ tịch đến từ nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và doanh nghiệp.

Một gương mặt nổi bật trong đội ngũ lãnh đạo là ông Phạm Gia Hậu Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Trưởng Ban Văn hóa Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu người đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra quốc tế. Ông Hậu được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội, mở ra kỳ vọng về việc thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Định hướng chiến lược rõ ràng, hành động cụ thể
Hiệp hội xác định năm giá trị cốt lõi làm nền tảng cho mọi hoạt động gồm: Sáng tạo, bản sắc, kết nối, khởi tạo thị trường, phát triển bền vững. Dựa trên đó, kế hoạch hành động nhiệm kỳ 2025–2030 tập trung vào nhiều nhóm mục tiêu then chốt:
Phát triển nguồn nhân lực sáng tạo thông qua hợp tác với trường đại học, doanh nghiệp, nghệ sĩ và tổ chức quốc tế để đào tạo các thế hệ chuyên gia văn hóa số, nhà thiết kế, kỹ sư sáng tạo.
Xây dựng bản đồ dữ liệu văn hóa Việt Nam, số hóa hệ thống bảo tàng, di sản, thư viện và các tài nguyên văn hóa phục vụ cho sản xuất sản phẩm sáng tạo.
Tổ chức các sự kiện sáng tạo quy mô, như festival, trại sáng tác, liên hoan phim, thời trang, âm nhạc, hội chợ công nghiệp sáng tạo… nhằm thúc đẩy giao lưu và xúc tiến thương mại văn hóa.
Xây dựng môi trường nghề nghiệp chuyên nghiệp thông qua chuyển đổi số, phát triển bộ quy tắc ứng xử, thiết lập văn phòng đại diện tại các địa phương.
Tham vấn chính sách và phản biện xã hội, phối hợp với các cơ quan quản lý để đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong nước.

Vai trò đầu mối kết nối – kỳ vọng hình thành hệ sinh thái bền vững
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Hiệp hội – NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Cốt lõi của công nghiệp văn hóa là sáng tạo. Dù công nghệ có phát triển đến đâu, nếu thiếu sáng tạo - nếu không có những bộ óc đột phá, những tác phẩm chất lượng - thì không thể hình thành một nền công nghiệp văn hóa đích thực.” Ông nhấn mạnh “Sáng tạo - Bản sắc - Lan tỏa” sẽ là mục tiêu hành động xuyên suốt của Hiệp hội. Cũng theo định hướng này, Hiệp hội kỳ vọng trở thành “liên minh sáng tạo quốc gia”, dẫn dắt ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chuyển mình từ nền tảng bản sắc dân tộc vững chắc, vươn ra thị trường toàn cầu với sản phẩm chất lượng, mang tính cạnh tranh cao.

Đại hội lần thứ I của Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam không chỉ là sự kiện mang tính chất tổ chức mà còn là cột mốc mở ra một giai đoạn phát triển chiến lược cho toàn ngành. Với tầm nhìn dài hạn, bộ máy nhân sự vững mạnh và kế hoạch hành động cụ thể, Hiệp hội được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển đột phá, lan tỏa mạnh mẽ và bền vững trong kỷ nguyên kinh tế sáng tạo toàn cầu.